Khí nhà kính - "thủ phạm" gây ra biến đổi khí hậu

19/08/2015 00:00

(TN&MT) - Khí nhà kính là các khí thải sản sinh trong quá trình hoạt động của con người, trong đó chủ yếu là khí CO2. Đó chính là nguyên nhân làm nóng bầu không khí bao quanh trái đất, tạo ra biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của loài người. Theo kết quả nghiên cứu, năng lượng là ngành phát khí thải nhiều nhất, gấp đôi tất cả các nguồn phát thải cộng lại.

Ngành năng lượng là ngành phát khí thải nhiều nhất

Ông Tamai Akihio, Cựu cố vấn trưởng của Dự án “Tăng cường năng lực kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ cho biết, qua kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam năm 2010 đã xác định và phân tích 28 nguồn phát thải, hấp thụ chính trong trường hợp không có lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 33 nguồn phát thải, hấp thụ chính trong trường hợp có LULUCF.

Trong năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 266 triệu tấn CO2 tương đương không bao gồm LULUCF.

Đặc biệt, phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 53,05% tổng lượng phát thải không tính LULUCF, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp chiếm 33,20%. Tổng phát thải khí nhà kính trong năm 2010 là 141.170.800 tấn CO2 tương đương. Phát thải khí nhà kính do đốt nhiên liệu trong năm 2010 là 124.275.000 tấn CO2 tương đương.

Trong lĩnh vực năng lượng thì điện năng là lĩnh vực quan trọng nhất cho mọi hoạt động của đô thị, tuy nhiên cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Theo Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, từ năm 2010 đến năm 2013, TP.HCM tiêu thụ trung bình khoảng 17 tỷ kWh/năm và phát thải trung bình khoảng 8,2 triệu tấn CO2/năm thông qua các hoạt động tiêu thụ điện năng.

Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất

Theo quy hoạch phát triển điện lực TP.HCM giai đoạn đến 2015 có xét tới 2020, nhu cầu điện năng thương phẩm bình quân đầu người năm 2015 là 3.130 kWh/người. Năm 2020 là 4.395 kWh/người, như vậy có thể ước tính được lượng điện thương phẩm tương ứng với các năm 2015, 2020 và 2025 là khoảng 27 tỷ kWh/năm, 42,5 tỷ kWh/năm và 52,5 tỷ kWh/năm, tương đương với việc phát thải 14,5 triệu tấn CO2/năm, 23 triệu tấn CO2/năm và 28 triệu tấn CO2/năm. Như vậy, nếu TP.HCM không thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực điện năng thì mức độ phát thải sẽ ngày càng tăng theo nhu cầu tiêu thụ điện và dự báo đến năm 2025 lượng phát thải có thể gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2013.

Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải

Có rất nhiều giải pháp và quy mô khác nhau để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, điện năng. Hơn nữa, giảm phát thải khí nhà kính cũng đồng nghĩa với việc cải thiện hiệu quả cung cấp và tiêu thụ điện, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế chứ không đơn thuần là vấn đề môi trường. Do đó cần một hướng tư duy mới trong việc ứng xử với các vấn đề môi trường, lợi ích về môi trường vẫn có thể đi đôi với lợi ích kinh tế.

Tổ chức Năng lượng Quốc tế (AIE) đã đưa ra 5 biện pháp cụ thể nhằm mục tiêu giảm tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do ngành năng lượng tạo ra, bắt đầu từ năm 2020. Thứ nhất, sử dụng hiệu quả hơn năng lượng trong công nghiệp, nhà ở và giao thông. Thứ hai, sử dụng ít và cấm xây dựng mới các nhà máy chạy bằng than kém hiệu năng. Thứ ba, tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo. Thứ tư, xóa bỏ trợ giá cho năng lượng hóa thạch trước 2030. Và cuối cùng là giảm lượng khí methan trong ngành dầu khí.

AIE cũng đánh giá, các biện pháp này có thể được thực hiện với công nghệ hiện có, đồng thời không kìm hãm sự phát triển kinh tế. Theo dự báo của AIE, nếu thực thi 5 biện pháp trên, thì lượng khí thải CO2 từ các nhà máy phát điện sẽ có thể đạt đỉnh vào năm 2020, thay vì còn tiếp tục tăng ít nhất cho đến 2030, nếu căn cứ theo các cam kết hiện tại.

Theo Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, dựa trên các ước tính phát thải khí nhà kính đến năm 2030, Việt Nam đã xây dựng các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong từng lĩnh vực cụ thể.

6 phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng được xây dựng dựa trên kịch bản phát triển thông thường (BAU), với giả thiết có thêm các chính sách mới để hỗ trợ phát triển các công nghệ giảm nhẹ khí nhà kính, bao gồm các công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.

Các phương án giảm nhẹ được xem xét, đánh giá hiệu quả, chi phí gia tăng, tiềm năng và lợi ích giảm phát thải so với BAU. Tổng tiềm năng giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng là 237,303 triệu tấn CO2 tương đương.

Cụ thể là sử dụng điều hòa nhiệt độ có hiệu suất cao có tiềm năng giảm phát thải là 39,1 triệu tấn CO2 tương đương; chuyển đổi sử dụng LPG thay xăng trong giao thông vận tải có tiềm năng giảm phát thải là 4,7 triệu tấn CO2 tương đương; chuyển đổi sử dụng ethanol thay xăng trong giao thông vận tải có tiềm năng giảm phát thải là 12,3 triệu tấn CO2 tương đương; phát triển nhiệt điện sinh khối có tiềm năng giảm phát thải là 57,3 triệu tấn CO2 tương đương; phát triển thủy điện nhỏ có tiềm năng giảm phát thải là 55,7 triệu tấn CO2 tương đương; phát triển điện gió có tiềm năng giảm phát thải là 68,1 triệu tấn CO2.

Phạm Lê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí nhà kính - "thủ phạm" gây ra biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO