Khánh Hòa: Những vướng mắc xung quanh việc xóa bỏ lò gạch thủ công

03/08/2014 00:00

(TN&MT) - Khánh Hòa có gần 100 cơ sở sản xuất gạch, ngói, phần lớn là lò thủ công hoặc thủ công cải tiến, xen kẽ trong khu dân cư ở 2 xã Ninh Xuân, Ninh Phụng...

   
(TN&MT) - Sau khi phương án di dời các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến vào Cụm công nghiệp Ninh Xuân bị phá sản; ngày 23-12-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa ra chỉ thị số 22, xác định lộ trình xóa bỏ các lò gạch này vào tháng 6-2014 và chấm dứt hoạt động đối với các lò gạch đứng liên tục vào tháng 12-2015. Tuy nhiên do gặp một số vướng mắc, hiện tại việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến vẫn chưa thể triển khai.
   
 Một góc làng gạch Ninh Xuân.
   
Đồng thuận những vẫn băn khoăn
   
  Ngày 2-8, trở lại làng gạch Ninh Xuân (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, địa bàn “trọng điểm” sản xuất gạch thủ công của tỉnh Khánh Hòa) chúng tôi thấy các lò gạch nơi đây vẫn hoạt động bình thường, dù lẽ ra các cơ sở này đã phải xóa bỏ theo tinh thần Chỉ thị 22 của tỉnh Khánh Hòa.
   
  Tại hàng chục lò gạch thủ công hai bên Quốc lộ 26A, đoạn qua địa phương này, không khí sản xuất vẫn rất hoạt náo; cột khói trên các lò vẫn không ngừng nhả những cột khói đen, bốc mùi khét lẹt vào không khí như thường lệ suốt hàng chục năm qua. Ông Nguyễn Sự (thôn Vân Thạch), chủ 2 lò gạch kiểu này, cho biết: “Chúng tôi biết chủ trương cấm lò gạch thủ công hoạt động của UBND tỉnh. Nhưng ở đây chưa có lò nào ngừng sản xuất cả. 2 lò gạch của tôi đã sản xuất gần 30 năm nay. Tuy có gây ô nhiễm môi trường và lấy đi không ít đất nông nghiệp để làm nguyên liệu, nhưng bao năm chúng đem lại thu nhập cho qua gia đình tôi và hơn 20 công nhân trong thôn. Trên có chủ trương không cho các lò gạch hoạt động trong khu dân cư là đúng, chúng tôi rất đồng tình. Nhưng kế hoạch trước đây là cho di dời vào cụm công nghiệp, nay lại không cho di dời và bắt ngừng sản xuất đột ngột khiến chúng tôi xoay xở không kịp. Nếu dừng sản xuất, chúng tôi sẽ thất nghiệp, gần 150 triệu đồng tiền vay ngân hàng tôi sẽ không trả được”.
   
  Không chỉ chủ các lò gạch mà những người làm công ở những cơ sở này cũng tỏ ra lo lắng nếu như nơi tạo công ăn việc làm cho họ nhiều năm qua bị xóa bỏ. Anh Phạm Văn Hùng (thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân) tỏ ra băn khoăn: “Vợ chồng tôi làm công  cho của ông Quynh 15 năm rồi. Giờ mà lò gạch của ông ấy bị dẹp bỏ, vợ chồng tôi cũng như 20 người làm ở đây sẽ thất nghiệp”.
   
  Ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ một lò gạch ở thôn Phước Lâm cho biết: “Trước đây nghe nói có chủ trương được di dời vào sản xuất trong khu cụm công nghiệp Ninh Xuân để không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nên chúng tôi rất mừng. Nhưng nay lại phải xóa bỏ khiến chúng tôi rất lo lắng. Tôi muốn sau khi lò thủ công bị ngưng hoạt động, sẽ đầu tư sản xuất gạch theo dây chuyền hiện đại. Nhưng bữa trước xã có mời lên nghe một công ty ở TP. Hồ Chí Minh ra tập huấn và chào bán dây chuyền sản xuất gạch, tôi lại cảm thấy nản vì các dây chuyền này có giá từ 1-7 tỷ đồng thì chúng tôi lấy đâu ra tiền mà đầu tư chuyển đổi?”.
   
Biết đã đến hạn cấm, nhưng ông Sự cũng như các chủ lò gạch thủ công khác
vẫn ngang nhiên hoạt động.
    
   
Những vấn đề cần giải quyết
   
  Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa có gần 100 cơ sở sản xuất gạch, ngói, phần lớn là lò thủ công hoặc thủ công cải tiến, chủ yếu tập trung xen kẽ trong khu dân cư ở 2 xã Ninh Xuân, Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa). Các cơ sở này đã tồn tại rất nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như biến hàng trăm ha đất nông nghiệp thành ao hồ bởi việc lấy đất làm nguyên liệu.
   
  Để khắc phục tình trạng trên, trước đây UBND tỉnh Khánh Hòa dự kiến sẽ di dời các cơ sở này vào Cụm công nghiệp Ninh Xuân. Tuy nhiên theo ông Lê Mộng Điệp – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Khánh Hòa: “Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc chấn chỉnh công tác quản l‎y và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế, khu công nghiệp trên cả nước; trong đó yêu cầu tạm việc bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp… Do vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Ninh Xuân đã phải tạm dừng, đồng nghĩa với việc không thể thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gạch nói trên vào cụm công nghiệp này”. Tuy nhiên, căn cứ Quyết định 567 ngày 28-4-2010 về việc phê duyệt chương trình phát tiển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và Chỉ thị số 10 ngày 16-4-2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung của Thủ tướng Chính Phủ; ngày 23-12-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Chỉ thị số 22 về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục trên địa bàn. Vậy nhưng, đến nay việc triển khi tinh thần Chỉ thị này đối với các lò gạch thủ công và thủ công cải tiến vẫn chưa được thực hiện do gặp phải một số khó khăn vướng mắc, như phương án, kinh phí để hỗ trợ cho chuyển đổi đối với các chủ lò gạch cũng như hàng nghìn lao động là người dân địa phương đang làm việc tại các cơ sở này.
   
Khói đen bốc lên tại lò gạch của ông Quynh.
    
  Theo ông Võ Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, địa phương hiện có hơn 50 lò gạch thủ công, với hơn 1.000 lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở này nên đời sống của hàng nghìn người dân sẽ bị ảnh hưởng khi các lò gạch thủ công ngừng hoạt động. “Vừa qua có một doanh nghiệp đến địa phương giới thiệu một số dây chuyền sản xuất gạch hiện đại, nhưng có giá rất cao. Các chủ cơ sở gạch thủ công trong xã khó có điều kiện để đầu tư chuyển đổi các dây chuyền này, nếu như không có sự hỗ trợ”, ông Hương nói.
   
  Ông Trần Công Hoán – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cũng cho biết, thị xã sẽ sớm kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch cũng như chuyển đổi nghề.
  Như vậy, vấn đề hỗ trợ kinh phí chuyển đổi công nghệ sản xuất cũng như chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người dân ở các làng gạch ổn định cuộc sống là bài toán cốt lõi của địa phương để tinh thần Chỉ thị 22 sớm được triển khai cũng như phòng ngừa tình trạng sản xuất gạch “chui” bằng lò thủ công sau khi phương thức này bị cấm hoạt động.
   
  Bài & ảnh: Thanh Nam
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: Những vướng mắc xung quanh việc xóa bỏ lò gạch thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO