Khánh Hòa: "Cấp cứu" môi trường biển

26/05/2015 00:00

(TN&MT) - Thói quen xả rác thẳng xuống biển của người dân ven biển cùng những cống nước thải đổ thẳng ra biển khiến môi trường vịnh Nha Trang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn “đâu lại vào đấy”, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường vịnh Nha Trang.

Rác ngập làng chài

Hiện nay, ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa còn một số khu vực dân cư sống trên những căn nhà chồ, nhà tạm được dựng sát biển như: Cửa sông Cái, khu vực phường Vĩnh Nguyên, khu vực Cửa Bé (phường Vĩnh Trường)... Do điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế cùng thói quen lâu đời nên những khu vực này bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Tại khu dân cư ven biển, gần cảng Cửa Bé (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) từ sáng đến tối, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nước biển luôn trong tình trạng đen kịt. Rác ngập ngụa dập dềnh cùng sóng biển. Những túi rác xanh, đỏ các loại vây kín ghe tàu neo đậu ở mép biển. Chiều chiều, những người dân vô tư đứng ngay cửa bếp, quẳng vứt bịch rác xuống mép biển, nổi lềnh bềnh. Anh Lê Quốc Đôn, người dân phường Vĩnh Trường cho biết: “Ở đây không có biển cấm đổ rác nên người dân cứ vô tư xả rác xuống biển, chờ thủy triều lên rồi cuốn ra xa. Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước đổ thẳng ra biển lại không có chắn rác, hễ trời mưa là cuốn theo rác từ các khu dân cư trôi về. Biển như cái bãi rác, thủy triều xuống, mùi hôi thối nồng nặc. Cá trong vịnh không có loài nào sống nổi với rác và chất thải. Những hôm trời nắng, chúng tôi phải đóng cửa lại mới ăn cơm được”. Anh Lê Quốc Đôn cũng cho biết thêm, hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt tại khu vực này đều không qua xử lý mà đổ thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

 

Các cống xả thải mang theo nguồn nước đen kịt đổ thẳng ra biển.
Các cống xả thải mang theo nguồn nước đen kịt đổ thẳng ra biển.

Tương tự, khu dân cư dọc vùng cửa biển sông Cái (đổ ra biển Nha Trang) người dân vẫn có thói quen thải rác ra mép sông, chờ nước lên, cuốn phăng ra biển… Đặc biệt, dọc hai bờ kè sông Cái, các quán nhậu mọc san sát nhau, nhiều quán nhậu ở vỉa hè đều quét hết rác thải xuống cửa sông... Còn các bãi biển Vạn Hưng, Vạn Thạnh… (huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa) chỗ nào cũng thấy đủ loại rác thải được sóng biển tấp vào bờ.

Theo báo cáo quan trắc môi trường, phần lớn các gia đình sống ven biển ở tỉnh Khánh Hòa không có nhà vệ sinh tự hoại, rác thải ném bừa ra biển. Các vùng nước ven bờ của các khu đông dân cư thường có độ nhiễm bẩn rất cao. Lưu vực sông Cái (TP. Nha Trang) có đến nửa triệu dân sinh sống, phần lớn rác thải sinh hoạt của người dân được vứt trực tiếp xuống nước. Nhiều nguồn nước thải sinh hoạt có chứa các yếu tố nhiễm bẩn vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước thải sinh hoạt tại khu dân cư Cửa Bé có lượng BOD là 156 mg/l, COD 253 mg/l, hydro cacbon 52,15mg/l...

Môi trường ở khu dân cư ven biển  bị ô nhiễm nặng

Mỗi ngày danh thắng vịnh Nha Trang phải hứng chịu khoảng 10 tấn rác thải cộng với hàng ngàn mét khối nước thải từ các khu dân cư ven biển. Ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, tuy chất lượng nước hiện nay tại vịnh Nha Trang chưa đến mức báo động nhưng đã xuất hiện những điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng các hệ sinh thái, đe dọa đến đa dạng sinh học trong vịnh. Ngoài ra, tình trạng thải nước bẩn, hôi thối ra biển cũng như xả rác bừa bãi sẽ để lại những hình ảnh xấu với du khách khi đến TP. Nha Trang.

“Vào mùa mưa lũ, phía Bắc đảo Hòn Tre dù xa đất liền, nằm gần vùng lõi khu bảo tồn biển cũng đã xuất hiện vi khuẩn Coliform. Hàm lượng hydrocarbon nhiều thời điểm khá cao, vượt mức cho phép. Điều này tăng nguy cơ phát triển các tảo có hại, hủy hoại môi trường sống của một số loại san hô, vi sinh vật biển…”- ông Kỉnh cảnh báo.

Theo ông Kỉnh, 2 khu vực tập trung đông dân cư ở sông Tắc - Cửa Bé và sông Cái là nguồn chính gây ô nhiễm cho toàn vịnh Nha Trang. Do đó, cần có những biện pháp ngăn chặn nguồn nước thải trực tiếp chưa qua xử lý đổ ra 2 con sông này từ các công ty, nhà máy, khu vực dân cư...

UBND TP. Nha Trang dùng giải pháp lắp đặt thùng chứa chất thải ở tàu thuyền, ra thông báo cấm xả rác xuống biển… Tuy vậy, ý thức người dân chưa cao, nhiều địa phương chỉ làm lấy lệ nên việc thu gom xử lý rác thải ven biển vẫn chưa hiệu quả.

Vừa qua, từ nguồn vốn hơn 1.400 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư Dự án cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang để thu gom, xử lý nước thải tại khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, trong đó có giải quyết tình trạng xả nước thải ra biển. Riêng khu vực phía Bắc thành phố, nơi có 2 cống xả trên đường Phạm Văn Đồng, còn phải chờ giai đoạn tiếp theo của Dự án này giải quyết tình trạng ô nhiễm do 2 cống xả thải ra.

Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa đầu tư hơn 32 tỷ đồng xây dựng các giếng tách, trạm bơm và đường ống để tách nước mưa và nước thải. Thực hiện kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường, sắp tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ phải đầu tư thêm cả ngàn tỷ đồng để giải quyết tình trạng ô nhiễm vịnh Nha Trang.

Để bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà cần chú trọng công tác tuyên truyền vận động người dân sống trên đảo, ven bờ chung tay bảo vệ môi trường biển, hạn chế vứt rác thải bừa bãi xuống biển, không chặt phá rừng ngập mặn. Cần hạn chế xây dựng, san lấp mặt bằng các công trình ven biển và trên các đảo trong vịnh.

Đối với các công trình được phép xây dựng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phối hợp với BQL vịnh Nha Trang giám sát việc thực thi bảo vệ môi trường theo cam kết của chủ đầu tư. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp kiểm tra định kỳ công tác xử lý nước, rác thải của doanh nghiệp du lịch trên các đảo trong vịnh Nha Trang.

Bài và ảnh: Võ Hà

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: "Cấp cứu" môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO