Khẳng định thương hiệu mía đường Sơn La

19/02/2019 22:36

(TN&MT) - Niên vụ mía 2018-2019, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La duy trì công suất ổn định 4.500 tấn mía/ngày; với trên 9.300ha mía nguyên liệu. Sản phẩm đường Sơn La ngày càng được nâng cao về chất lượng, cùng với đó là đảm bảo quá trình sản xuất luôn gắn bó mật thiết với công tác bảo vệ môi trường.

a1 23
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Mía đường Sơn La

Nỗ lực bảo vệ môi trường

Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, tiền thân là Nhà máy Đường Sơn La, được khởi công xây dựng ngày 16/9/1995. Từ một doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, năm 2008, Công ty Mía đường Sơn La đã chuyển đổi hình thức sở hữu sang công ty cổ phần.

Đã từng là một trong những “điểm đen” gây bức xúc cho người dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vì quá trình xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường suối Nậm Pàn, từ niên vụ mía 2014 – 2015 đến nay, Công ty đã nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và từng bước khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm. Và được Sở TN&MT Sơn La xác nhận cơ sở hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đoàn Ngọc Qua, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất phân bón, kiêm phụ trách công tác bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho biết: Năm 2015, Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải 900m3/ngày đêm, trị giá gần 10 tỷ đồng. Năm 2016, đầu tư thêm khoảng 6,5 tỷ đồng cho việc cải tạo, làm mới hệ thống thu gom nước thải và cải tạo, mở rộng, lót tấm HDPE cho các hồ chứa nước thải. Năm 2017, tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải 2.000m3/ngày đêm, trị giá gần 17 tỷ đồng. Như vậy, tổng công suất xử lý hiện có đạt 2.900m3 nước/ngày đêm. Đồng thời, Công ty còn đầu tư kênh mương thu gom nước thải, nước mặt, trị giá 4,5 tỷ đồng.

Không chỉ thế, xác định việc tuần hoàn nước, tái sử dụng nước là mục tiêu quan trọng, nên những nguồn nước kể cả không nhiễm đường như nước dập tro, nước mặt cũng được đơn vị đưa vào xử lý, đạt tiêu chuẩn nước loại A, quay lại hệ thống tuần hoàn, làm mát. Nhờ đó, khoảng 99% lượng nước đã được tái sử dụng, hạn chế tối đa lượng nước khai thác từ suối lên.

Về hệ thống ống khói, công ty đã cải tiến hệ thống lò hơi và ống khói, giảm thiểu tối đa khí thải ra môi trường. Duy trì tần suất giám sát môi trường định kỳ 4 lần/năm; và hiện tại là 2 lần/năm, theo Quyết định số 1879/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nâng công suất Nhà máy mía đường Sơn La từ 3.000 lên 10.000 TMN ngày 13/6/2018.

Không chỉ bảo vệ môi trường trong sản xuất, Công ty còn tập trung đầu tư cho người dân trồng mía thuốc bảo vệ thực vật sinh học, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân. Đồng thời, luôn quan tâm tới công tác trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển của người dân. Chủ động hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch mía sao cho đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến tươi, sạch; không gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe người trồng mía.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Mía đường Sơn La

Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đường Sơn La

Niên vụ mía 2018-2019, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có khoảng 9.300ha mía nguyên liệu, tập trung ở các huyện Mai Sơn, Yên Châu, thành phố Sơn La, hướng tới phát triển sang cả Bắc Yên và giáp ranh huyện Sông Mã.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La phấn khởi: Để nâng cao chất lượng sản phẩm đường, trên công nghệ của Ấn Độ chuyển giao giai đoạn 1 năm 2015-2016 và giai đoạn 2 năm 2017-2018, niên vụ 2018-2019, Nhà máy đã đưa thêm một số cải tiến của các công đoạn, cải tạo lại từ những chi tiết nhỏ nhất, thấy chưa phù hợp qua những kinh nghiệm từ 2 kỳ nâng cấp đầu tư trước. Song song đó, Nhà máy tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị từ tháng 6-12/2018, đảm bảo các quy trình sản xuất kỹ lưỡng, bài bản hơn, trên cơ sở được chứng nhận ISO 22000. Đồng thời, đã đầu tư một số trang thiết bị tự động hóa, giảm chi phí nhân công và tăng độ chính xác cho các thông số, như thiết bị lắng nổi, tự động hóa về điều chỉnh nhiệt độ…

“Nhờ đó, chất lượng đường niên vụ mía 2018-2019 có thể đánh giá là một bước ngoặt, một bước tiến mạnh trong chất lượng đường, hướng tới chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. Với mục tiêu đưa Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La là một trong những công ty sản xuất đường đứng ở top đầu Việt Nam; đồng thời, duy trì phát triển vùng nguyên liệu, an sinh xã hội cho người dân trồng mía” – ông Nguyễn Văn Tài khẳng định.

Được biết, niên vụ sản xuất 2018-2019, Công ty đang duy trì sản xuất 2 loại đường là đường trắng cao cấp RS và đường linh luyện cao cấp RE. Và từ niên vụ mía đường 2017-2018, đơn vị đã sản xuất được đường tinh luyện RE, đưa vào sản phẩm sữa trẻ em.

“Trong thời gian tới, Công ty cổ phần mía đường Sơn La sẽ tiếp tục chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa nguồn phát sinh nước thải, thải ra môi trường. Tuần hoàn tái sử dụng nước sau khi xử lý vào sản xuất. Tích cực áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, bền vững tại địa phương” – ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La khẳng định.

Niên vụ mía 2018-2019, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La chính thức đi vào sản xuất từ ngày 18/12/2018; dự kiến ngày 22/5/2019 sẽ hết vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định thương hiệu mía đường Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO