|
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Khu vực ven biển với thiên nhiên trù phú hiện đang mang lại sinh kế cho khoảng 47 triệu người dân, tương đương với một nửa dân số cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên nhiên thường xuyên xảy ra tại Việt Nam.
Chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau là bài toán lớn cần có lời giải, đồng hành với việc tổ chức thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
***
Cho đến nay, mặc dù chúng ta có các chương trình, dự án, đề tài điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu về biển nhưng hiểu biết của chúng ta về Biển Đông còn rất hạn chế. Thiếu phương tiện, thiết bị, cán bộ có chuyên môn sâu và nguồn lực tài chính hạn hẹp nên thông tin, số liệu thu được còn sơ lược, độ tin cậy chưa cao. Đây là thách thức lớn nhất và trở ngại đầu tiên trên con đường tiến ra biển. Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái cửa sông đặc thù, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển dọc từ Bắc vào Nam và quanh các đảo lớn, nhỏ. Đây là những nơi có điều kiện lý tưởng để các loài sinh vật biển sinh sống và phát triển, tạo nên nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng. Nhưng do khai thác bừa bãi và những tác động của con người, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Diện tích rừng ngập mặn giảm quá nửa trong vòng 30 năm qua.
Một góc biển Cửa Lò (Nghệ An). |
Chỉ hơn 15 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm đến gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều nơi mất hẳn. Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị suy kiệt. Chất lượng nước biển cũng đang có xu hướng suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng. Hàng ngày biển phải tiếp nhận một lượng nước thải lớn từ đất liền, trực tiếp hoặc theo các lưu vực sông đổ ra biển. Cùng với dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải nhộn nhịp trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe dọa nhiều vùng biển nước ta.
Thời gian tới, khi đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển, tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao sẽ gia tăng mạnh áp lực lên tài nguyên, các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển. Cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển là những vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển.
***
Chiến lược hướng tới nền “kinh tế biển xanh” đã được chúng ta xác định từ lâu, trong đó có công tác quy hoạch các đô thị biển. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, đô thị biển ở nước ta mới thấy phát triển tập trung ở dải ven biển, chỉ là các đô thị ven biển.
Tại Việt Nam, 76 thành phố, trong đó có nhiều thành phố ven biển, bao gồm 60% tổng dân số cả nước và đóng góp vào hơn 70% GDP.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, thành phố là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên của biến đổi khí hậu. Nếu không ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị, chúng ta có nguy cơ đánh mất lợi ích phát triển của Việt Nam trước những thiên tai mà lẽ ra có thể tránh được.
Thực tế cho thấy, điều kiện khí hậu ngày càng có xu hướng thay đổi, tạo thêm áp lực và bất ổn cho các khu vực đô thị, nhất là các đô thị ven biển.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam, cuối thế kỷ 21, khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong số này có hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và có khả năng thích ứng với khí hậu cho các vùng ven biển của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những thách thức của các cú sốc thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Chúng ta phải đầu tư để nâng cao khả năng thích ứng nếu muốn đạt được mục tiêu thịnh vượng kinh tế”.
Nhưng thực tế đang cho thấy, việc phát triển ở hầu khắp đô thị biển Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào đất như các dạng đô thị trên đất liền thông thường, mà chưa phát triển dựa vào biển đúng như tiềm năng lẽ ra phải được phát huy ở mức cao. Sự thiếu sót trong nhận diện quy mô của kinh tế biển đã làm mất đi giá trị cốt lõi của nó và ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về đô thị biển, đặc biệt đô thị đảo - một loại hình không gian quan trọng trong không gian kinh tế biển.
Theo PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi, chẳng hạn như Phú Quốc, dù là đảo lớn, nhưng giá trị thực sự của Phú Quốc nằm ở không gian biển với các hòn đảo vệ tinh, cách “đảo mẹ” từ 3 - 10 km, có những rạn san hô ngầm, các bãi cỏ biển với các quần xã sinh vật biển đa dạng, phong phú, cùng các bãi cát biển, gò ngầm dài ngắn khác nhau rất đẹp. Chính các giá trị dịch vụ tự nhiên biển như vậy đã tạo cho đảo Phú Quốc sự hấp dẫn lạ thường.
Vậy nhưng, sự hoang sơ của biển cả vẫn chưa được đánh giá đúng chân giá trị “biển bạc” của nó, mà các giá trị trước mắt của “đất vàng” vẫn hấp dẫn không chỉ các nhà đầu tư “nâu” mà còn cả một số nhà hoạch định chính sách và quy hoạch. Cách nghĩ, cách làm như thế sẽ hướng đến các quyết định lấn biển bằng mọi giá để tạo thêm quỹ đất, không hoặc ít chú trọng gìn giữ, bảo vệ các nguồn vốn và tài sản tự nhiên “giá trị để đời” của biển…
Dưới giác độ đó, PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng, một dự án đô thị biển muốn “sống” được trên hệ sinh thái tự nhiên biển - ven biển thì chính nó phải trở thành một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, là một bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái tự nhiên.
Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; đến năm 2045, Việt Nam "trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước".
Tầm nhìn về một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045 với mức thu nhập cao mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra càng thêm rõ nét khi các địa phương có biển xóa bỏ sự manh mún trong chiến lược phát triển và khơi thông được động lực từ lợi thế kinh tế biển của mình.
Thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển. Nhưng cho đến hôm nay, nhìn toàn diện về phát triển kinh tế biển ở Việt Nam, dường như, chúng ta vẫn đang “đứng ở ven biển”. Đã đến lúc, phải tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện các chuỗi hệ thống dịch vụ trên biển, các đô thị biển để góp phần khẳng định thế đứng của một “quốc gia biển” chứ không phải “quốc gia ven biển”.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP - và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.