Khẳng định quyết tâm chính trị và các ưu tiên đầu tư phát triển cho ĐBSCL

17/06/2014 00:00

(TN&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế cạnh tranh cao về kinh tế nông nghiệp đã đóng góp hơn một nửa sản lượng gạo quốc gia...

   
(TN&MT) - Ngày 17/6/2014, Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức Hội nghị về Phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
   
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
   
  Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ.
   
 Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng bàn bạc, làm rõ những thách thức và cơ hội phát triển của ĐBSCL, đồng thời khẳng định quyết tâm chính trị và các ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam cho khu vực này theo định hướng tổng hợp và bền vững, qua đó kêu gọi sự phối hợp hỗ trợ của các nhà tài trợ cho Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện.
   
  Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; từng bước hoàn thiện thể chế, triển khai các chiến lược quốc gia về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó với biển đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
   
  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, Ngân hàng thế giới và các đối tác phát triển khác dành cho Việt Nam, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, đóng góp đầy đủ các nguồn lực của mình để triển khai hiệu quả các hỗ trợ của các nhà tài trợ cho vùng ĐBSCL.
   
  Hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt với 7 thách thức, đó là, hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bằng. Một số nơi xâm nhập mặn vào sâu tới 60km với hàm lượng > 4g/l; mức độ hạn hán tuy không tăng nhưng tác động của nó đến nguy cơ xâm nhập mặn lại đang gia tăng.
   
  Lũ thượng nguồn có xu hướng gia tăng, lũ đến sớm hơn và rút muộn hơn dẫn đến khó khăn trong tiêu, thoát nước và bố trí phòng chống lũ lụt. Theo tính toán đến năm 2050, diện tích ngập lụt có thể chiếm tới 89% diện tích vùng đồng bằng, tăng 20% so với diện tích ngập lũ năm 2000.
   
  Việc khai thác sử dụng nước phía thượng lưu sông Mekong gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Sự hình thành của một số công trình thủy điện sẽ tiếp tục gây ra các ảnh hưởng đối với vùng hạ lưu, trong đó đặc biệt là đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
   
Toàn cảnh hội nghị
   
  Các công trình thủy lợi hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu về điều tiết nước, ngăn mặn; trong khi đó quy hoạch thủy lợi lại thiếu đồng bộ, thực hiện trên cơ sở giải quyết những vấn đề đơn lẻ mà chưa có cách giải quyết tổng thể cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chưa đánh giá hết được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các vấn đề trên chưa được giải quyết triệt để.
   
  Kết cấu cơ sở hạ tầng và liên kết giao thông vận tải kém dẫn đến giảm giá trị gia tăng của chuỗi sản phẩm nông nghiệp, hạn chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến vùng.
   
  Cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đang làm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tập trung về trồng lúa và chú trọng về sản lượng thay vì đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc trồng lúa 3 vụ là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy thoái đất, gây ảnh hưởng đến dòng chảy lũ và môi trường trong khu vực.
   
  Cơ chế đầu tư phát triển riêng lẻ cho từng tỉnh thay vì cơ chế và chính sách đầu tư tổng thể liên vùng dẫn tới tình trạng chưa sử dụng tối ưu hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.
   
  Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang nêu rõ, đây là vùng Đồng bằng của Việt Nam, vì vậy Việt Nam cần có nghĩa vụ, trách nhiệm và phải có quyết tâm cao để bảo vệ vùng đồng bằng này trước những áp lực và hiểm họa của biến đổi khí hậu.
   
  Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng nhận định, Hội nghị đã định hướng rõ ràng hơn về đường lối phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cần phải hành động để thực tiễn hóa các định hướng này bằng việc triển khai danh mục các chương trình, dự án ưu tiên của Việt Nam trong khu vực ĐBSCL. Để có thể thực hiện được các giải pháp đã đề ra, giải quyết các thách thức trong ngắn hạn, hướng đến một tương lai thịnh vượng và bền vững cho khu vực này, chúng ta chắc chắn cần đến sự hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển cho Việt Nam.
   
Phạm Thu Hà
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định quyết tâm chính trị và các ưu tiên đầu tư phát triển cho ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO