Khẩn cấp bảo tồn voi

11/08/2016 00:00

(TN&MT) - Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, loài voi tại Việt Nam, đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời.

Voi rừng
Voi rừng

Suy giảm nghiêm trọng

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), hiện, quần thể voi hoang dã tại Việt Nam không còn nhiều. Chỉ tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An và số lượng voi ngày càng suy giảm. Theo số lượng thống kê từ các tỉnh, Đắk Lắk còn khoảng 60 - 65 cá thể, Đồng Nai còn 14 cá thể và Nghệ An còn 5 cá thể.

Phần lớn các đàn voi chỉ có 1 - 5 cá thể, sống tách biệt nhau, rất ít đàn có số lượng tới trên 10 cá thể, nên nguy cơ suy thoái là rất lớn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2009 đến nay, có khoảng 29 cá thể voi bị sát hại hoặc gặp nạn nguy hiểm. Trung bình mỗi năm, có ít nhất 4 cá thể voi bị chết hoặc gặp nạn, chiếm 3 - 4% tổng số cá thể voi hiện nay. Tại VQG Yok Đôn - Ea Súp (Đắk Lắk), có 20 cá thể voi bị săn bắn hoặc gặp tai nạn, trong đó, có 18 cá thể bị chết và 2 cá thể được cứu hộ thoát chết; VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai, có 8 cá thể voi bị sát hại và tai nạn, trong đó, có 7 cá thể bị chết và 1 cá thể được cứu hộ thoát chết; VQG Pù Mát có 1 cá thể voi bắn chết.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, số lượng voi đã suy giảm nghiêm trọng trong những năm qua, chủ yếu do tình trạng mất rừng, mất sinh cảnh, nạn săn bắn trái phép loài thú này để lấy ngà và các bộ phận cơ thể khác để buôn bán. Bảo tồn voi đã trở thành một hoạt động cấp bách hơn bao giờ hết.

Giảm xung đột giữa voi - người

Vừa qua, Ban Điều phối Viện trợ Nhân dân (PACCOM), Vườn Quốc gia Yok Đôn và WWF - Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường bảo tồn voi hoang dã và quản lý xung đột voi – người ở Việt Nam”. Tình trạng xung đột voi – người (HEC) ngày càng trở nên nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân gây suy giảm số lượng cá thể trong các quần thể voi vốn đã rất nguy cấp, đặc biệt là ở Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An. Tại Đắk Lắk, ghi nhận từ những năm 2005 tới nay, HEC xảy ra tại nhiều xã của 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea HLeo. Hầu hết các HEC xẩy ra đều liên quan tới việc suy giảm diện tích rừng, rừng phân mảnh, voi mất hành lang di chuyển kiếm ăn và kiếm nước uống. Chỉ riêng từ năm 2009 đến tháng 6/2016, Đắk Lắk đã mất 21 cá thể voi hoang dã. Tỷ lệ voi non chết do sa lầy và không rõ nguyên nhân vào mùa khô tăng cao (15/21 cá thể chiếm 71%), nhất là ở vùng hồ Ea Súp Thượng. Ngược lại, hoa màu, lán trại của người dân cũng bị voi tàn phá, thậm chí, đe dọa tính mạng của người dân.

Những vụ việc trên cho thấy, mặc dù, Việt Nam đã có đầy đủ các quy định về pháp luật và các văn bản dưới Luật liên quan tới bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn động vật hoang dã nói chung có liên quan tới voi cũng như nhiều chính sách liên quan tới bảo tồn voi được ban hành. Tuy vậy, hoạt động bảo tồn voi mới thật sự bắt đầu từ năm 2010 và chủ yếu ở 3 tỉnh còn voi phân bố nhiều nói trên. Do đó, hiểu biết về voi, tập tính của chúng, các phương pháp bảo tồn hiệu quả, hiện, còn hạn chế tại Việt Nam.

Quốc Đạt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn cấp bảo tồn voi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO