Khai thác tài sản công lập phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt

29/05/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhằm làm rõ các ý kiến thảo luận của ĐBQH tại hội trường sáng 29/5 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

Phát biểu tại Hội trường sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt
Phát biểu tại Hội trường sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh:Quốc Khánh

Phải đảm bảo việc quản lý sử dụng, tiết kiệm đúng mục đích tiêu chuẩn

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 2, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm định, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội rồi tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật cũng như ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách được tổ chức vào ngày 4/4/2017.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã làm rõ một số vấn đề như: Việc rà soát, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; Việc sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn và định mức chế độ quy định; Về thẩm quyền quyết định trong quản lý sử dụng tài sản công…

Về việc quản lý khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Luật quản lý tài sản nhà nước năm 2008 đã phân định chế độ quản lý sử dụng giữa cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công. Tài sản tại cơ quan nhà nước nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo ra dịch vụ công cung cấp cho xã hội và dự thảo luật lần này, kế thừa quan điểm này…

Vì vậy theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cần phải đảm bảo việc quản lý sử dụng, tiết kiệm đúng mục đích tiêu chuẩn, định mức và tuyệt đối không được sử dụng để cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết để đảm bảo tính nghiêm minh và tách bạch chức năng quản lý, nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại và trang thiết bị.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Đoàn TP Hà Nội
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Đoàn TP Hà Nội phát biểu thảo luận tại phiên họp sáng 29/5. Ảnh: Quốc Khánh

Khai thác tài sản công lập phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mục tiêu cao nhất của việc sự dụng quản lý tài sản công tại đơn vị sử dụng công lập là phải tạo ra nhiều dịch vụ công với chất lượng tốt chi phí thấp, theo đó việc sử dụng tài sản phải tối đa hóa công suất, giảm chi phí.

Vì vậy chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh vào dịch vụ cho thuê, liên doanh liên kết đã được quy định tại Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.

Tổng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập của chúng ta hiện nay rất lớn, khoảng 2 triệu người. Chi phí cho việc vận hành bộ máy là rất lớn, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho thuê liên doanh liên kết giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế, tăng cường xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

“Tinh thần là cho thuê nhưng sử dụng vào dịch vụ công, tinh thần cũng sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ. Bước cho thuê theo giá thị trường nhưng tính đúng tính đủ cũng theo thị trường” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng cho biết thêm: Vừa qua nhiều đồng chí có ý kiến Nghị định 16 của Chính phủ chúng ta đang đi theo lộ trình. Đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập vươn lên tự chủ ngày càng cao hoặc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp vì vậy dự thảo luật lần này kế thừa quan điểm tại Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 về việc cho phép khai tác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập theo phân cấp của Chính phủ, thêm nội dung theo phân cấp của Chính phủ.

Tuy nhiên, để việc khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, dự thảo luật đã rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh gồm: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu tài sản nhà nước, bảo toàn, phát triển vốn tài sản nhà nước, sử dụng tài sản đúng mục đích, đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản, tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

“Đồng thời, việc khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là ý theo Nghị định 16 để phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo từng loại và đẩy mạnh quá trình xã hội hóa” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Việt Hùng(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tài sản công lập phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO