Khai thác khoáng sản trái phép: Chưa xử lý triệt để

05/12/2013 00:00

Khai thác khoáng sản trái phép được coi là “vấn nạn” mà từ chính quyền địa phương đến Trung ương biết rõ...

   
(TN&MT) - Khai thác khoáng sản trái phép được coi là “vấn nạn” mà từ chính quyền địa phương đến Trung ương biết rõ và đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng đến nay vẫn không thể xử lý được triệt để. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Đã có tới 47/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (miền Nam: 10, miền Trung: 10, miền Bắc: 27).
   
Khai thác trái phép: Tinh vi và công khai
   
  Vàng bị khai thác trái phép nhiều nhất, diễn ra phổ biến tại một số địa phương: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai. Cát sỏi lòng sông cũng bị khai thác trái phép tại 31/ 63 tỉnh, thành phố. Nhiều loại khoáng sản cũng bị khai thác trái phép như mangan (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái), quặng sắt (Yên Bái, Hoà Bình, Lào Cai); quặng titan (Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định), quặng thiếc (Lâm Đồng, Nghệ An), v.v…Tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra khá công khai, kể cả ngày lẫn đêm, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau (đào ao, trồng rừng, làm đường, xây dựng công trình hạ tầng v.v...).
   
Lực lượng chức năng xử lý khai thác đá trái phép ở tỉnh Khánh Hòa
    
   
  Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2012, công tác thanh tra, kiểm tra đã được UBND cấp tỉnh tăng cường thực hiện. Theo đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 467 đơn vị với tổng số tiền phạt hơn: 13,4 tỷ đồng; có 05 tỉnh đã thu hồi 27 Giấy phép khai thác khoáng sản, gồm: Quảng Nam (13), Kiên Giang (10), Thanh Hóa (02), Điện Biên (01), Sơn La (01). Riêng đối với thanh tra, kiểm tra khai thác cát, sỏi lòng sông, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.215 vụ vi phạm.
   
  Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường là do điều kiện kinh tế khó khăn, mức sống của dân địa phương thấp, thiếu việc làm nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép quy mô nhỏ khá phổ biến. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa thường xuyên, chưa sâu rộng; nhận thức của địa phương và người dân trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa đầy đủ. Phương thức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giải tỏa lực lượng khai thác khoáng sản trái phép kém hiệu quả, có tính chất “mùa vụ”. Chưa có quy định và chế tài xử lý mạnh mẽ đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm.
   
  Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương ở vùng giáp ranh địa giới hành chính (từ hai đơn vị hành chính trở lên) để xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Lực lượng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng trở nên liều lĩnh, sẵn sàng chống trả, thậm chí đã gây thiệt hại tính mạng của cán bộ quản lý khoáng sản khi làm nhiệm vụ nhưng chế tài xử phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe; chưa có hình thức xử lý hình sự đối với một số cá nhân cố tình vi phạm. Tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau (đường bộ, đường biển) tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi Phía Bắc vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
   
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
   
  Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, Bộ tài nguyên và Môi trường đã đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đối với một số địa phương có điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp làm việc với tỉnh và chỉ đạo xây dựng quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương xảy ra khai thác khoáng sản trái phép (như  tỉnh Bắc Kạn, tỉnh  Quảng Nam). Sau khi văn bản này có hiệu lực, tình hình khai thác khoáng sản trái phép đã giảm. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác phù hợp với thực tế, có tính khả thi. Theo đó, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; gắn trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với người đứng đầu các cấp chính quyền tại địa phương; đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở.
   
  Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức và hành động của người dân; nhất là người dân địa phương nơi có khoáng sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của các địa phương.
   
   Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm về bảo mật thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, thăm dò khoáng sản. Có hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi tiết lộ thông tin trái pháp luật.
   
  Bài và ảnh: Minh Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác khoáng sản trái phép: Chưa xử lý triệt để
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO