Khai thác khoáng sản thiếu minh bạch: Tổn thất tài nguyên - thất thu nguồn thuế

17/03/2015 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, việc thiếu các cơ chế quản lý minh bạch trong khai thác khoáng sản không chỉ gây thất thoát tài nguyên, ngân sách Nhà nước thất thu mà điều đặc biệt quan trọng là để lại những hệ lụy rất lớn về môi trường.

Tổn thất tài nguyên

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho biết, ngành dầu khí và khai thác khoáng sản đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua. Song, mức đóng góp này chưa thực sự tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất môi trường. Trong khi đó, chính sách quản lý chưa khuyến khích được doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Viện Tư vấn phát triển (CODE)  chứng minh rằng, mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế khai thác xuất khẩu sản phẩm thô, song hầu hết các DN khai thác của Việt Nam hiện nay muốn thu lợi nhuận nhanh nên chỉ chú trọng khai thác xuất khẩu dừng lại ở mức quặng và tinh quặng. Vì vậy, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản, đồng thời gây lãng phí rất lớn tài nguyên do không tận dụng được đáng kể sản phẩm khoáng sản khác đi kèm.

Nhiều mỏ đá hoa trắng phải làm thủ tục đánh giá lại trữ lượng để trả tiền cấp quyền khai thác
Nhiều mỏ đá hoa trắng phải làm thủ tục đánh giá lại trữ lượng để trả tiền cấp quyền khai thác

Hiện nay, ở một số mỏ quy mô khai thác nhỏ, với mức độ cơ giới hóa thấp nên đa số chỉ lấy được những phần trữ lượng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và khoáng sản đi kèm, dẫn đến lãng phí tài nguyên. Đáng lo ngại hơn, việc khai thác theo dạng “ăn sổi” còn gây tổn thất trong chế biến khoáng sản ở mức độ cao. Chẳng hạn trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) hiện chỉ đạt khoảng 30 - 40%, nghĩa là khoảng một nửa thải ra ngoài môi trường. Thêm nữa, thực trạng tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn ở mức độ cao, đặc biệt ở các mỏ hầm lò, các mỏ địa phương quản lý. Một số điều tra nghiên cứu cho thấy, tổn thất khai thác khoáng sản như: Khai thác apatit 26 - 43%; quặng kim loại 15 - 30%; vật liệu xây dựng 15 -20%...

PGS.TS Lưu Đức Hải, khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN cho rằng, vấn đề bất cập hiện nay trong chế biến khoáng sản ở Việt Nam là có rất ít DN quan tâm đến các sản phẩm phụ và chất thải có thể tận thu trong quá trình chế biến khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên của đất nước. Một số trường hợp, giá trị của chất thải rắn, lỏng bị loại bỏ khỏi dây chuyền chế biến quặng có giá trị kinh tế, chưa được tận dụng.

Ngân sách thất thu do chưa kiểm soát được sản lượng

Tại tỉnh Điện Biên, hiện có hơn 15 doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản với hàng chục giấy phép đã được cấp. Trong đó chủ yếu là các mỏ đá, sỏi, than và kim loại chưa được thăm dò trữ lượng. Từ đầu năm 2013 đến nay, tỉnh Điện Biên chỉ thu được khoảng 50 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động khai khoáng.

Cũng như tỉnh Điện Biên, tại tỉnh Bắc Kạn, số liệu Cục Thuế Bắc Kạn, từ năm 2010 tới 2014, tổng thuế tài nguyên thu được hơn 145 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2010 thu được hơn 23 tỷ đồng; năm 2011 hơn 32 tỷ đồng; năm 2012 hơn 36 tỷ đồng; năm 2013 hơn 28 tỷ đồng và năm 2014 hơn 24 tỷ đồng.

Trong khi  các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có công cụ nào để kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế, mà vẫn phải dựa hoàn toàn vào chứng từ do doanh nghiệp tự kê khai để tính thuế. Điều đó lý giải vì sao các loại phí, thuế tài nguyên nộp cho ngân sách tỉnh rất thấp. Ông Nguyễn Duy Thể - Phó Cục trưởng Cục Thuế Bắc Kạn cho biết: Trở ngại lớn nhất đối với ngành Thuế là không có số liệu đánh giá trữ lượng chi tiết của từng mỏ khoáng sản làm cơ sở ấn định thuế khoán và thu phí bảo vệ môi trường. Đó cũng là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp khoáng sản ngang nhiên trốn thuế mà cơ quan chức năng vẫn không xử lý được.

Để nâng cao năng lực giám sát nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật khác để quản lý như Nghị định số 203 quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và Nghị định số 22 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản... Những văn bản pháp lý trên khi có hiệu lực trong thực tế đã phát huy được nhiều ưu điểm. Ví dụ, sau 1 năm triển khai Nghị định 203 thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu về cho ngân sách gần 500 tỷ đồng. Và tới đây, đấu giá quyền khai thác khoáng sản được triển khai tại cấp Trung ương và địa phương kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu kém tồn tại về giám sát nguồn thu từ hoạt động khai khoáng.

Bài và ảnh: Minh Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác khoáng sản thiếu minh bạch: Tổn thất tài nguyên - thất thu nguồn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO