Khai thác khoáng sản ở Sơn La: Hướng đến bền vững, hiệu quả

05/05/2015 00:00

Các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản mới chú ý đến lợi nhuận, chưa chú trọng đến đầu tư công nghệ, thiết bị, tổn thất khoáng sản còn lớn, sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm khó kiểm soát; chưa khắc phục hiện trạng môi trường. Đó là thực trạng trong khai thác khoáng sản hiện nay ở Sơn La.

Sản phẩm đồng nguyên chất Nhà máy chế biến kim loại mầu Sơn La. Ảnh: Hồng Bài
Sản phẩm đồng nguyên chất Nhà máy chế biến kim loại mầu Sơn La. Ảnh: Hồng Bài

Trao đổi với PV, ông Cầm Hạ Thiết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La cho biết, các DN tham gia hoạt động khai thác khoáng sản mới chú ý đến lợi nhuận, chưa chú trọng đến đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản. Vì vậy, tổn thất khoáng sản còn lớn, sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm khó kiểm soát.

Qua thực tế cho thấy, phần lớn các DN khai thác khoáng sản ở Sơn La, còn sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu nên không đảm bảo về môi trường sinh thái trong khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân quanh khu vực mỏ, nhất là vùng hạ du. Điển hình là vụ vỡ đường ống xả khói thải của nhà máy luyện đồng thuộc Cty Khoáng sản Tây Bắc. Sự cố trên đã làm thiệt hại hàng chục ha cây, hoa màu, trị giá hàng trăm triệu đồng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của 174 hộ dân bản Chát, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.

Sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá mức độ ô nhiễm, thống kê thiệt hại về tài sản của nhân dân, đồng thời xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động của Cty Khoáng sản Tây Bắc.

Một thực tế đáng quan tâm trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Sơn La, đó là, các điểm mỏ đều có trữ lượng thấp, manh mún, có nhiều loại khoáng sản nhưng không tập trung, chưa được thăm dò, đánh giá cụ thể. Do đó, đã tác động đến công tác thiết kế, tổ chức khai thác chưa chính xác; hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính hàng năm của các dự án khai thác khoáng sản ở mức thấp. Hiện nay, nhiều dự án chậm triển khai như dự án khai thác magnezit Sông Mã, dự án khai thác than Tô Pan, Yên Châu... UBND tỉnh đã ra quyết định dừng 18/24 điểm khai thác và thu hồi 4 giấy phép khai thác khoáng sản. Thực trạng trên đã dẫn đến các hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua trên địa bàn tỉnh Sơn La hiệu quả chưa cao, thu hút đầu tư chưa nhiều.

Để khai thác tiềm năng khoáng sản, hướng đến bền vững, hiệu quả, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định 419, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2000, tầm nhìn 2025. Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Sơn La tập trung nâng cao sản lượng quặng đồng, khai thác gắn với thăm dò mở rộng các điểm quặng đồng phục vụ cho nhà máy luyện đồng trên địa bàn tỉnh. Khai thác sản lượng quặng đồng nguyên khai  đạt 600 - 700 ngàn tấn/năm; triển khai thăm dò, khai thác gắn với chế biến ở mức độ hợp lý một số điểm mỏ khác như: Chì, kẽm, magnezit, talc, antimon... Đồng thời, quy hoạch thăm dò và cấp phép khai thác sẽ thực hiện tại 10 điểm mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ: Mỏ than Khe Lay (Yên Châu), mỏ thạch anh xã Phiêng Ban (Bức Yên), mỏ than bản Púm (Quỳnh Nhai)...

Quy hoạch điều chỉnh thăm dò, khai thác và sử dụng 17 điểm mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác, tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn: Mỏ than Suối Lúa - Suối In (Phù Yên), mỏ than suối Bàng khu II (Mộc Châu), mỏ đồng Đá Đỏ (Phù Yên).

Tỉnh Sơn La đã quy hoạch 10 điểm mỏ khoáng sản, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, đó là điểm quặng sắt Hua Mường (Mường La), điểm quặng Antimon (Yên Châu), điểm quặng sắt Tu Rúc (Mai Sơn)...

Cùng với quy hoạch thăm dò, khai thác, Sơn La chú trọng đến xây dựng các cơ sở chế biến khoáng sản. Dự kiến, trong năm 2015, Sơn La sẽ hoàn thành Nhà máy Luyện đồng Phù Yên, công suất 5.000 - 7.000 tấn đồng kim loại mỗi năm. Năm 2020, hoàn thành Nhà máy Pheroniken Bắc Yên, công suất khoảng 30.000 tấn/năm.

Với những giải pháp tích cực, thông thoáng, công tác quản lý, khai thác khoáng sản sẽ hướng đến sự bền vững, hiệu quả, xứng với tiềm năng khoáng sản của Sơn La.

Tính đến tháng 3/2015, tỉnh Sơn La đã cấp 30 giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó 8 giấy phép thăm dò, 23 giấy phép khai thác. Tuy nhiên, trong 23 điểm mỏ được cấp phép khai thác, mới có 10 điểm mỏ có quyết định thuê đất, 1 điểm mỏ đang làm thủ tục, còn 12 điểm mỏ chưa có quyết định thuê đất. Trong quý I/2015, Sơn La đã thu hồi 4 giấy phép khai thác khoáng sản. Như vậy, trên địa bàn tỉnh Sơn La, hiện chỉ còn 19 DN được cấp phép khai thác khoáng sản kim loại, than đá và 56 mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường.

Theo Báo Thanh tra

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác khoáng sản ở Sơn La: Hướng đến bền vững, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO