Khai thác gỗ trái phép nhưng vẫn được công nhận là tài sản hợp pháp?

26/12/2015 00:00

  (TN&MT) - Mặc dù một người dân trên địa bàn đã khai thác gỗ quý trái phép nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn công nhận đây là tài sản sở hữu hợp pháp của người...

 

(TN&MT) - Mặc dù một người dân trên địa bàn đã khai thác gỗ quý trái phép nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn công nhận đây là tài sản sở hữu hợp pháp của người này. Trong khi đó, tang vật của một vụ án tranh chấp tài sản không còn nhưng TAND tỉnh vẫn ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ để lấy căn cứ xét xử.

TAND huyện Ea H’leo đình chỉ vụ án vì xác định hành vi khai thác khúc gỗ hương của vợ chồng ông Lộc là trái pháp luật
TAND huyện Ea H’leo đình chỉ vụ án vì xác định hành vi khai thác khúc gỗ hương của vợ chồng ông Lộc là trái pháp luật

Câu chuyện từ khúc gỗ quý

Vào đầu năm 2011, ông Lương Văn Lộc và vợ là bà Hoàng Thì Phương (ở thôn 10B, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) gửi đơn lên các cơ quan chức năng tố cáo ông Phùng Văn Thanh (cùng thôn 10B) đã có hành vi chiếm đoạt một khúc gỗ hương (nhóm IIA) có đường kính 55cm, dài 4,4m mà ông Lộc cho rằng ông đã khai thác tại lô đất rẫy của gia đình từ năm 1995. Theo đó, ông Lộc cho rằng ông Thanh đã mượn khúc gỗ này từ tháng 8/2003 và đến thời điểm trên không chịu trả.

Vì vợ chồng ông Lộc là cha đỡ đầu của vợ ông Thanh (theo phong tục của người Tày) nên sau khi nhận được đơn, ban tự quản thôn 10B và các ban ngành, đoàn thể xã Cư Amung đã nhiều lần tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, các buổi hòa giải không thành vì ông Thanh cho rằng đã trả khúc gỗ còn ông Lộc thì kiên quyết đòi lại khúc gỗ có kích cỡ như trên hoặc yêu cầu ông Thanh phải bồi thường số tiền 30 triệu đồng.

Sự việc tiếp tục được phản ánh lên các cấp có thẩm quyền. Sau khi Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea H’leo và TAND huyện thống nhất ra quyết định không khởi tố vụ án, ông Lộc tiếp tục gửi đơn lên TAND tỉnh Đắk Lắk được TAND tỉnh trả hồ sơ về TAND huyện Ea H’leo giải quyết.

Ngày 31/10/2012, TAND huyện Ea H’leo mở phiên xét xử sơ thẩm vụ việc tranh chấp hợp đồng mượn tài sản giữa vợ chồng ông Lộc và ông Phùng Văn Thanh. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên bác đơn khởi kiện của ông Lộc vì xác định hành vi khai thác khúc gỗ này là trái phép và nguyên đơn không cung cấp được các chứng cứ liên quan đến việc cho ông Thanh mượn khúc gỗ quý.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, vợ chồng ông Lộc đã kháng cáo lên TAND tỉnh Đắk Lắk. Để củng cố chứng cứ, ngày 9/1/2013, ông Lộc đã đến ban tự quản (BTQ) thôn 10B và UBND xã Cư Amung để xin xác nhận cho ông Vi Văn Hò (là em rể của ông Lộc) và ông Lương Văn Hoan (con rể ông Lộc, cùng thôn 10B) cùng biết nguồn gốc xuất xứ, kích thước khúc gỗ và việc cho ông Thanh mượn sau đó không đã chiếm đoạt. Trong cả 2 giấy xác nhận này, BTQ thôn 10B và UBND xã Cư Amung chỉ xác nhận là 2 ông này có hộ khẩu thường trú tại địa phương chứ không liên quan đến nội dung trong giấy.

Ngay sau đó, ông Phùng Văn Thanh đã làm đơn đề nghị BTQ thôn và UBND xã xác minh lại nội dung trong giấy xác nhận. Khi làm việc với chính quyền địa phương, cả ông Vi Văn Hò và ông Lương Văn Hoan đều cho biết mình không viết giấy xác nhận, không xem nội dung mà tất cả đều do ông Lộc tự đánh máy rồi nhờ ký và đến UBND xã xác nhận. Hai ông này đều khẳng định không làm chứng cho ông Lộc đi kiện ông Thanh và cũng chưa từng tham dự các buổi hòa giải mà chính quyền địa phương đã tổ chức trước đó.

Mặc dù khúc gỗ không tồn tại nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ để lấy căn cứ xét xử
Mặc dù khúc gỗ không tồn tại nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ để lấy căn cứ xét xử

 

Bản án “kỳ lạ”

Tại phiên phúc thẩm ngày 17/4/2013, Thẩm phán Lê Thị Hương (chủ tọa phiên tòa) đã xác định “vợ chồng ông Lộc đã khai thác khúc gỗ hương không đúng quy trình nhưng đã quản lý tài sản trên từ năm 1995 đến năm 2003 mà không có ai tranh chấp và không bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nên tài sản này được coi là hợp pháp”. Căn cứ vào lời khai của các bên và người làm chứng (con gái của vợ chồng ông Lộc), HĐXX xác định việc ông Thanh mượn 1 khúc gỗ hương vào tháng 8/2003 rồi sau đó trả cho vợ chồng ông Lộc khúc gỗ khác là có thật. Thế nhưng, vợ chồng ông Lộc cho rằng ông Thanh trả 1 khúc gỗ khác nhưng không có kích thước, khối lượng tương đương nên tiến hành khởi kiện ông Thanh.

Mặc dù ông Thanh một mực khẳng định mình đã trả khúc gỗ có khối lượng tương đương nhưng HĐXX vẫn buộc ông Thanh phải trả lại khúc gỗ có đường kính 55cm, dài 4,4m (tổng khối lượng 1,045m3) cho vợ chồng ông Lộc. Nếu ông Thanh không trả được khúc gỗ nói trên thì phải trả cho vợ chồng ông Lộc 50.160.000 đồng theo biên bản thẩm định giá của Công ty CP Thẩm định giá Đông Á - TP. HCM. Về việc ông Thanh trả khúc gỗ, HĐXX cho rằng ông Thanh có quyền khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Lộc trả cho ông và sẽ được giải quyết bằng 1 vụ án khác.

TAND xác định khúc gỗ hương được coi là tài sản hợp pháp của ông Lộc do không có ai tranh chấp và không bị cơ quan có thẩm quyền xử lý
TAND xác định khúc gỗ hương được coi là tài sản hợp pháp của ông Lộc do không có ai tranh chấp và không bị cơ quan có thẩm quyền xử lý

Ông Phùng Văn Thanh cho biết: “Việc vợ chồng ông Lộc cho rằng ông mượn khúc gỗ hương có đường kính 55cm, dài 4,4m là hoàn toàn bịa đặt. Trong khi đó, hành vi khai thác khúc gỗ hương của ông Lộc sau đó đem về tàng trữ là trái phép, tài sản này không được pháp luật bảo vệ. Mặc dù vợ chồng ông Lộc không hề có căn cứ chứng minh sự tồn tại của khúc gỗ nhưng TAND tỉnh vẫn cho rằng khúc gỗ hương nói trên là có cơ sở nên tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và căn cứ vào chứng thư thẩm định giá tài sản của một công ty tại TP. HCM là không đúng theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, ông Thanh đã có đơn kiến nghị gửi lên TAND tối cao và VKSND tối cao kháng nghị bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk. Vào tháng 7/2013, cả 2 cơ quan này đã có thông báo gửi ông Thanh về việc nhận được đơn kiến nghị nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trong thời gian chờ đợi, ông Thanh cũng nhiều lần làm đơn xin tạm hoãn thi hành án đối với bản án của TAND tỉnh nhưng UBND huyện Ea H’leo đã yêu cầu giải quyết dứt điểm việc thi hành án trước ngày 15/3/2016.

Theo Luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, tang vật của vụ án này là khúc gỗ hương là gỗ quý hiếm (nhóm IIA) nhưng nguyên đơn lại không cung cấp được nguồn gốc, không có xác nhận của cơ quan chức năng thì hành vi khai thác khúc gỗ này là trái phép, phải tịch thu để xử lý. “Việc TAND tỉnh Đắk Lắk xác định ông Lộc khai thác gỗ trái phép khúc gỗ hương nhưng vẫn coi đây là tài sản hợp pháp của ông này do không có ai tranh chấp và không bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý rõ ràng là sai quy định. Cùng với đó, việc TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ khúc gỗ hương có đường kính 55cm, dài 4,4m (vốn không xác định được có tồn tại hay không) sau đó dựa vào kết quả chứng thư làm căn cứ buộc bị đơn trả lại tiền là không có cơ sở” – Luật sư Tạ Quang Tòng nói.

Bài & ảnh: Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác gỗ trái phép nhưng vẫn được công nhận là tài sản hợp pháp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO