Khai khoáng ở Tây Bắc: Giằng xé được và mất

27/10/2016 00:00

(TN&MT) - Khai khoáng ở một số tỉnh Tây Bắc được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn thu ngân sách địa phương. Tuy vậy, đây cũng là một trong những ngành công nghiệp gây nhiều tác động đến môi trường và xã hội.

Hoạt động khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng tới môi trường (Ảnh: Bích Hợp)
Hoạt động khai thác khoáng sản tại Lào Cai (Ảnh: Bích Hợp)


Năm 2015, toàn bộ Khu vực Tây Bắc các tỉnh đã cấp phép cho khoảng 160 Giấy phép thăm dò khoáng sản, hơn 30 Giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản 114 mỏ. Tính riêng tỉnh Sơn La, trong 5 năm (2011 - 2015), đã cấp 28 Giấy phép thăm dò khoáng sản, 11 Giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản 19 mỏ, ban hành quyết định đóng cửa 60 mỏ khoáng sản. Hiện, toàn tỉnh Sơn La có 27 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, 5 Giấy phép do Bộ TN&MT cấp; 22 Giấy phép do UBND tỉnh Sơn La cấp.

Theo ông Nguyễn Đắc Lực, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La, những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đóng góp ngân sách, phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tạo việc làm cho một bộ phận lao động địa phương. Trong giai đoạn (2011 - 2015), nguồn thu thuế tài nguyên từ khoáng sản của Sơn La đạt 220 tỷ đồng, phí BVMT đạt hơn 27 tỷ đồng. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 398 tỷ đồng và quỹ cải tạo phục hồi môi trường 7,8 tỷ đồng. Riêng tỉnh Lào Cai thu ngân sách cho Nhà nước hàng năm từ ngành khai khoáng hàng trăm tỷ đồng.

Như vậy, có thể nói, ngành khai khoáng tại các tỉnh Tây Bắc được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương này, góp phần làm tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Những yếu tố này chính là động lực cho việc xóa đói, giảm nghèo.

Khai thác cát trái phép trên dòng Nậm Rốm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Ảnh: Hà Thuận)
Khai thác cát trái phép trên dòng Nậm Rốm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Ảnh: Hà Thuận)


Bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các tỉnh miền núi Tây Bắc còn tồn tại nhiều bất cập; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại nhiều địa phương trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị trên địa bàn. Đặc biệt, dưới tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Trên thực tế, các điểm mỏ khoáng sản thường nằm ở vùng núi, 100% là người dân tộc tại các địa phương. Các hộ dân vùng núi sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp. Trong khi đó, hoạt động khai thác khoáng sản sử dụng chủ yếu các tài nguyên đất, nước và tài nguyên rừng mà cuộc sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào các tài nguyên này.

Bên cạnh đó, khói, bụi, khí thải, nước thải… của việc khai thác khoáng sản là một trong những tác nhân xấu gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, hủy hoại môi trường nghiệm trọng. Chưa kể đến việc các doanh nghiệp, đơn vị khai thác mỏ đưa người từ nơi khác đến làm thay đổi nếp sống, nếp sinh hoạt, đời sống văn hoá – xã hội, tình hình an ninh, trật tự bị ảnh hưởng, tại các địa phương có điểm mỏ.

Dẫu biết rằng, ngành khai khoáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của một số địa phương Tây Bắc nói chung và cả nước nói riêng. Song không phải vì thế mà thể đẩy nhanh tăng trưởng GDP bằng mọi giá. Trên thực tế, có rất nhiều bài học đắt giá trong thời gian qua khi “nóng vội” phát triển kinh tế, nhiều câu chuyện đau lòng con người phải gánh chịu khi hiểm hoạ môi trường xảy ra nơi này hay nơi khác. Đã đến lúc ngành và các địa phương cần cân nhắc giữa được và mất trong hoạt động khai thác tài nguyên.

Bài và ảnh: Trần Hương - Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai khoáng ở Tây Bắc: Giằng xé được và mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO