Ảnh minh họa |
Bộ Xây dựng cho biết, ngày 20/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Ngày 30/6/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Thông tư số 19/2016/TT-BXD hướng dẫn một số vấn đề như xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trình tự thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, trình tự thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, trình tự, thủ tục xác định nhu cầu và kế hoạch phát triển nhà ở công vụ, các nội dung về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (xác định giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước), việc quản lý theo dõi tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Sau hơn 5 năm thực hiện, các quy định cụ thể của Thông tư số 19/2016/TT-BXD đã góp phần giúp các địa phương thực hiện triển khai công tác quản lý Nhà nước về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực nhà ở, góp phần thúc đẩy phát triển và quản lý nhà ở trên mọi mặt.
Tuy nhiên, ngày 26/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, trong đó Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan để bảo đảm phù hợp với quy định của một số đạo luật mới được Quốc hội thông qua như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các nội dung của Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 19/2016/TT-BXD là cần thiết.
Bổ sung quy định tiêu chí xác định nhu cầu nhà ở
Bộ Xây dựng cho biết, quá trình theo dõi thực hiện việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương cho thấy, theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, kể cả việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở chưa bảo đảm tính chặt chẽ (như chỉ đưa tên dự án vào chương trình để hợp thức hóa mà không thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án như quy mô: hình thức đầu tư, vị trí dự án, số lượng, loại nhà ở…), dẫn đến việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở tại địa phương không đúng nội dung ban đầu. Do đó, tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khi điều chỉnh chương trình, kế hoạch nhà ở; đồng thời giao cho Bộ Xây dựng quy định cụ thể tiêu chí xác định nhu cầu về nhà ở làm cơ sở để địa phương thực hiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở (kể cả chương trình, kế hoạch điều chỉnh), tránh việc tự ý xác định nhu cầu nhà ở không phù hợp với tình hình thực tế.
Dự thảo Thông tư đã đề xuất bổ sung một Điều quy định về tiêu chí xác định nhu cầu nhà ở để địa phương dựa trên các tiêu chí này khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Theo đó, tại Điều 4 dự thảo Thông tư đã đề xuất quy định rõ các tiêu chí để xác định nhu cầu về nhà ở của địa phương như: Căn cứ các tiêu chí về dân số, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, thực trạng diện tích các loại nhà ở, số lượng đối tượng thuộc diện hỗ trợ về nhà ở, các cơ chế chính sách về nhà ở tại thời điểm xây dựng chương trình, kế hoạch....
Cụ thể như sau: Việc xác định nhu cầu về nhà ở khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương được căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
1- Các chỉ tiêu, yêu cầu về phát triển nhà ở nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
2- Các chỉ tiêu liên quan đến phát triển nhà ở nêu trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng của địa phương của giai đoạn thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua;
3- Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở được xác định trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
4- Nhu cầu về diện tích nhà ở của từng đối tượng trên địa bàn theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở;
5- Các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở do Nhà nước ban hành tại thời điểm nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở;
6- Thực trạng về diện tích nhà ở trên địa bàn do cơ quan có thẩm quyền cung cấp tại thời điểm xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; thực trạng về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn và nhà ở cho các đối tượng khác trong giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm trước đây;
7- Thực trạng về dân số và thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tại thời điểm xây dựng chương trình, dự kiến mức tăng dân số tự nhiên, dân số cơ học do cơ quan có thẩm quyền cung cấp trong giai đoạn thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở;
8- Dự kiến khả năng tài chính từ ngân sách của địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở dành cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Việc quy định cụ thể các tiêu chí này làm cơ sở để địa phương có căn cứ khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cũng như khi thực hiện điều chỉnh chương trình, kế hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của địa phương, góp phần khắc phục, hạn chế tình trạng địa phương tự ý điều chỉnh Chương trình, kế hoạch như trong thời gian qua.