Kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân trước áp thấp nhiệt đới đổ bộ

09/10/2017 00:00

(TN&MT) - Trong chiều và đêm nay (9/10), áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ và gây mưa lớn trên đất liền. Để chủ động đối phó, Ban Chỉ đạo TWPCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh/thành phố, các Bộ, ngành bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu hoặc tránh trú an toàn; tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở trước khi bão đổ bộ.

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì chiều nay (9/10), tại Hà Nội.

Toàn cảnh cuộc họp khẩn ứng phó áp thấp nhiệt đới chiều nay (9/10)
Toàn cảnh cuộc họp khẩn ứng phó áp thấp nhiệt đới chiều nay (9/10)

Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm

Nhận định về diễn biến ATNĐ, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Dự kiến 1 giờ đến 7 giờ sáng mai (10/10) ATNĐ sẽ đổ bộ, đây là thời điểm triều cường lên, nên sẽ có nước dâng cao, lượng mưa lớn từ 100-200mm suốt từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, riêng 4 tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình lượng mưa lớn hơn từ 200-400mm. Khu vực phía Nam Tây Bắc và Bắc Tây Nguyên cũng có mưa vừa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, từ chiều tối và đêm nay (9/10), lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này (từ ngày 9 - 11/10), mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1, trên BĐ1; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi còn dưới mức BĐ1.

Trung tâm đã phát đi cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 - 2.

áp thấp nhiệt đới có nguy cơ mạnh lên thành bão
áp thấp nhiệt đới có nguy cơ mạnh lên thành bão

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 7 giờ ngày 9/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.077 tàu/230.513 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ. Trong đó, 503 tàu/3.399 lao động đang trong vùng nguy hiểm từ 14 - 18 độ Vĩ Bắc. Các phương tiện đã nắm được hướng di chuyển của ATNĐ, đang chủ động di chuyển về bờ hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện vẫn còn 177 tàu với 1.212 lao động đang đánh bắt hải sản trên biển, không có tàu nào nằm trong vùng nguy hiểm. Từ sáng sớm nay, nhiều ngư dân đã dừng hẳn các hoạt động đánh bắt, đưa tàu thuyền lên bờ chằng buộc cẩn thận, đưa ngư cụ vào nhà cất giữ.

Tại tỉnh Quảng Ngãi hiện vẫn còn 862 tàu với hơn 8.580 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó 64 tàu với 638 lao động đánh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương đang tìm cách liên lạc với thuyền trưởng của 11 tàu đang ở trên biển tìm nơi trú tránh.

Chủ động tiến hành các biện pháp phòng chống

Trong chiều nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, các Bộ, ngành để chủ động các biện pháp ứng phó với ATNĐ gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo đó, đối với khu vực trên biển, ven bờ, các địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu hoặc tránh trú an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền, phương tiện, lồng bè đang ở nơi neo đậu, trú tránh ra khơi trong thời gian có ATNĐ; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.

Đồng thời, cần chủ động phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là những đoạn đê, kè đã bị hư hỏng trong bão số 10 vừa qua.

Sóng đánh mạnh làm vỡ bờ kè đá sát khu biệt thự ven biển ở Quảng Nam
Sóng đánh mạnh làm vỡ bờ kè đá sát khu biệt thự ven biển ở Quảng Nam

Đối với khu vực trên đất liền, tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở trước khi bão đổ bộ. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại trong mưa, lũ.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương và các Bộ, ngành kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý để đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.

Triển khai tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình bị hư hại do bão số 10 chưa kịp khắc phục; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và khôi phục sự cố lưới điện và thông tin liên lạc trước, trong và sau bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN.

Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng cập nhật và đưa tin thường xuyên về diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân trước áp thấp nhiệt đới đổ bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO