Kêu gọi cộng đồng chung tay nâng cao hiệu quả sử dụng nước và năng lượng

24/03/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 21/3, tại Quảng trường nhân dân TP.Lai Châu, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày nước thế giới 2014.

(TN&MT) - Ngày 21/3, tại Quảng trường nhân dân TP.Lai Châu, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày nước thế giới 2014.  
    
   Ủy viên BCH Trung ương Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã tới dự. Tham dự buổi Lễ còn có các đồng chí: Nguyễn Minh Quang - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và  Môi trường; Lò Văn Giàng - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Lai Châu; Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thái Lai - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày nước thế giới năm 2014.
    
   Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng đến dự.
   
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ mít tinh
   
   Tham dự lễ mít tinh còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, lãnh đạo UBND và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.
    
   Đặc biệt, Lễ mít tinh còn thu hút sự tham gia hơn 3.500 nhân dân đại diện cho các khối công chức, viên chức, công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tại tỉnh Lai Châu.
    
   Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Ngày Nước thế giới 2014, Liên hợp quốc chọn chủ đề Nước và Năng lượng nhấn mạnh mối liên kết bền chặt giữa nước và năng lượng, đề cao vai trò của nước và năng lượng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở mọi cấp độ, đồng thời, kêu gọi các quốc gia có chính sách phát triển hài hòa giữa nước và năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh.
    
   Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, dưới tác động của biến đổi khí hậu, chủ yếu là do sử dụng năng lượng thiếu bền vững, tình trạng khan hiếm nước, những xung đột, căng thẳng về nước sẽ trầm trọng hơn ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.
    
   “Mối liên kết chặt chẽ giữa nước và năng lượng đòi hỏi chúng ta phải đổi mới các chính sách, chiến lược quản lý tổng hợp, đa mục tiêu về tài nguyên nước nhằm đảm bảo khai thác, phân phối, sử dụng tài nguyên nước và năng lượng một cách hiệu quả và công bằng”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
    
   Việt Nam không phải là quốc gia giàu về nước. Mặc dù chúng ta có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng chủ yếu từ nước ngoài chảy vào và tập trung ở một số lưu vực sông lớn như: sông Cửu Long, sông Hồng – sông Thái Bình.... Lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước, bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.600 m3/năm. Nước dưới đất dù có tiềm năng ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm nhưng chỉ tập trung ở một số khu vực như đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.
   
   
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ mít tinh
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội trong bảo vệ tài nguyên nước
    
   

  Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng chỉ ra các thách thức về bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó là, gần 2/3 lượng nước của nước ta được hình thành từ ngoài lãnh thổ, nhưng chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng. “Những vấn đề về sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu còn chưa đạt kết quả như mong muốn; mâu thuẫn, cạnh tranh trong sử dụng nước tiếp tục gia tăng, đặc biệt là với các công trình chuyển nước và các hồ chứa nhỏ. Việc triển khai cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết những vấn đề chung trên phạm vi lưu vực sông còn thiếu hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
   
  Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung đưa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định trong Luật Tài nguyên nước, các Chương trình, Kế hoạch hành động của Chính phủ, với các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:
   
  Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là bảo vệ rừng đầu nguồn; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
   
  Hai là, xây dựng cơ chế để triển khai thực hiện chính sách về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thất thoát trong các hệ thống cấp nước, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
   
  Ba là, tập trung xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; ưu tiên phòng, chống hoặc giảm lũ, bảo đảm các yêu cầu sử dụng nước ở hạ du, đồng thời gắn với nhiệm vụ phát điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
   
  Bốn là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước ở trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời về diễn biến số lượng, chất lượng nước, những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông và để kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa, trước hết tập trung vào hệ thống sông xuyên biên giới và các lưu vực sông ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
   
  Năm là, triển khai cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông liên tỉnh, trước mắt là thành lập các tổ chức lưu vực sông, xây dựng cơ chế điều phối chung trên từng lưu vực để huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.
   
              
    
   
  Sáu là, chủ động đề xuất các giải pháp trong phối hợp quốc tế giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc xây dựng công trình thủy điện dòng chính. Gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy ngay trong năm 2014 nhằm khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tôn trọng nguyên tắc công bằng, hợp lý trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước liên quốc gia theo các chuẩn mực quốc tế.
   
  Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Theo số liệu điều tra, tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta vào khoảng 830 - 840 tỷ m3, trong đó khoảng 63% có nguồn gốc từ bên ngoài. Tổng lượng nước bình quân đầu người đạt khoảng 9.560 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia có tài nguyên nước trung bình là 10.000 m3/người/năm; nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 4.000 m3/người/năm. Mặt khác, dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng nhưng tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, nên về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước.
   
  “Vì vậy,  nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà là một trong những nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả, phát huy những mặt lợi, hạn chế những tác hại của nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
   
Lễ mít tinh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia
   
  Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu về năng lượng trung bình hàng năm tăng khoảng 15%, đây là thách thức vô cùng lớn đối với ngành năng lượng nước nhà, đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ, đóng góp của nhiều ngành, địa phương, trong đó có ngành tài nguyên nước (vì 37% tổng sản lượng điện từ thủy điện) và sự tham gia tích cực của mỗi người dân trong việc sử dụng tài nguyên nước và năng lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm.
   
  Hưởng ứng Ngày nước thế giới 2014, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh hãy thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo vận hành an toàn cho các hồ chứa, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh, của đất nước và trên hết là cuộc sống của người dân.
   
Thúy Hằng
Ảnh: Hoàng Minh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi cộng đồng chung tay nâng cao hiệu quả sử dụng nước và năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO