Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về TN&MT tại TP.HCM: Nhiều văn bản không phù hợp thực tiễn

30/08/2017 00:00

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa ra Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về TN&MT tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó, đã chỉ ra việc chậm ban hành và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ, chưa phù hợp thực tế…

Theo Kết luận, trong những năm qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT, ban hành kịp thời nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo theo thẩm quyền phù hợp phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó, đã góp phần cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà Nước trên địa bàn.

Cụ thể, sau khi Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2010, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, UBND thành phố đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 14 văn bản lĩnh vực đất đai; 4 văn bản về đo đạc bản đồ; 6 văn bản về môi trường; 1 văn bản về khoáng sản và 1 về tài nguyên nước.

Vẫn còn một số hạn chế khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2013. Ảnh: MH
Vẫn còn một số hạn chế khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2013. Ảnh: MH

Nhìn nhận thực tế, công tác này vẫn còn một số hạn chế, như triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014, nhưng đến nay, UBND thành phố mới ban hành 14 văn bản quy định theo thẩm quyền. Vẫn còn một số văn bản cần cụ thể hóa theo thẩm quyền chưa được ban hành. Đó là quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và công nhận hòa giải có hiệu lực pháp luật trên địa bàn; quy định về hạn mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa. Chưa ban hành quy định về hoạt động đo đạc bản đồ, sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, còn một số văn bản chưa rõ, không phù hợp thực tế. Đơn cử, tại Quyết định số 33 ngày 15/10/2014 của UBND thành phố quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa (đang còn hiệu lực) pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, có nhiều quy định trong văn này chưa rõ, chưa cụ thể, không phù hợp với quy định của pháp luật dẫn đến có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Đơn cử, tại Điểm a, Khản 2, Điều 3 quy định: trường hợp thửa đất không thuộc khu vực Nhà nước phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt (thửa đất nằm trong khu dân cư hiện hữu), UBND quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất để xem xét giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất. Tại Khoản 4, Điều 3 quy định việc xem xét giải quyết tách thửa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân căn cứ vào quy hoạch phân khu tỷ lệ 1:2.000 hoặc quy hoạch nông thôn mới đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết; trường hợp chưa có quy hoạch phân khu thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết.  Hai điểm này đều chưa phù hợp với quy định tại Điều 52, Luật Đất đai. Bởi, theo Điều 52, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải được căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại Khoản 2, Điều 3, quy định: Đối với thửa đất nằm trong khu dân cư hiện hữu là không cụ thể, không rõ, vì theo Điều 1 Quyết định này chỉ điều chỉnh tách thửa đối với đất, như vậy được hiểu là thửa đất có vườn, ao nằm trong khu dân cư hiện hữu, mà không bao hàm cả thửa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư. Tuy vậy, qua thanh tra cho thấy, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã áp dụng tách thửa và chuyển mục đích với cả những thửa đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 1.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ TN&MT kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh, sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT thuộc thẩm quyền cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố; hủy bỏ hoặc sửa đổi, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật không phù hoặc trái với quy định của pháp luật, nhất là Quyết định số 33.

Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về TN&MT tại TP.HCM: Nhiều văn bản không phù hợp thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO