Kè sông Mã sụt lún nghiêm trọng

05/02/2015 00:00

(TN&MT) - Trên mặt tuyến kè nhiều vị trí sụt lún xuất hiện, ngay sát đó là mái kè bê tông bị bong tróc lên từng mảng, đứt gãy, sạt sâu 30 – 40 cm.

(TN&MT) - Mặc dù mái đê tuyến đê tả sông Mã đoạn qua thôn Trà La, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vừa mới hoàn thành được hơn một tuần nhưng công trình này đã bị sụt lún nghiêm trọng, mái kè bị biến dạng khiến nhân dân không khỏi hoang mang lo lắng về chất lượng công trình cũng như tính mạng của người dân trong những mùa mưa bão sắp tới.
   
Báo động chất lượng
   
  Tuyến kè bãi xã Hoằng Khánh, ngay sát trạm bơm Hoằng Khánh tại thời điểm PV ghi hình, tuyến kè này đang bị sụt lún nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 50 m. Trên mặt tuyến kè nhiều vị trí sụt lún xuất hiện, ngay sát đó là mái kè bê tông bị bong tróc lên từng mảng, đứt gãy, sạt sâu 30 – 40 cm. Bê tông mái kè bị đứt gãy, biến dạng, tạo thành những sống trâu dựng đứng, mái kè theo thiết kế phẳng giờ đây lồi lõm, uốn lượn. Chỉ một đoạn ngắn mái kè những có rất nhiều vị trí bị trám lấp nham nhở thay cho các khối bê tông.
   
  Ông Lê Văn Biếc – Trưởng thôn 1 Trà La, xã Hoằng Khánh cho biết: Tuyến kè này mới được hoàn thành hơn một tuần và người dân mới phát hiện sạt lở 3 – 4 ngày nay. Đây là tuyến đê xung yếu được ví như thành lũy đảm bảo đời sống và tính mạng của hàng nghìn nhân khẩu thôn Trà La cũng như rất nhiều nhân dân hạ du, thế nhưng công trình trọng điểm hàng trăm tỷ đồng này lại dấy lên hoài nghi về chất lượng của nó. Ban đầu, chỉ là những vết sụt lún rất nhỏ và ngắn nhưng qua từng ngày mức độ ngày càng gia tăng với hàng chục vết sụt lún, đứt gãy dồi dập. Riêng về bê tông mái kè dù đã đổ hơn một tuần nhưng đến nay dùng tay vẫn có thể bẻ ra được một cách dễ dàng càng khiến người dân lo lắng bất an.
   
   
Mái kè bị xé toang đến tận chân kè
   
  Để tìm hiểu rõ hơn, PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã liên hệ làm việc với ông Ngô Văn Chiến – Chỉ huy trưởng công trình nâng cấp tuyến đê tả sông Mã của Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi nhưng vị này cáo bận và trả lời ngắn ngọn rằng: Công trình đang trong thời gian thi công, chưa hoàn thành, nghiêm thu và bàn giao nên đoạn nào có sự cố thì chúng tôi xử lý, khắc phục đến đó. Còn nguyên nhân gây ra sụt lún làm biến dạng hư hỏng hơn 50 m mái kè chưa xác định được? Công trình được chúng tôi thi công theo đúng thiết kế phê duyệt? Việc người dân thông tin lấy đất bãi bồi trồng dâu ở thôn Trà La đắp mái kè ông Chiến cũng phủ nhận và nhấn mạnh mái kè không lấy đất đắp?
   
  Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh xác nhận mới nắm được thông tin kè bãi Hoằng Khánh thôn Trà La bị sạt lở ngày 30/01/2015, sau đó đã báo cáo lên UBND huyện Hoằng Hóa. Toàn bộ dự án nâng cấp tuyến đê tả sông Mã do Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi – Công ty Cổ phần (trụ sở tại Ninh Bình) là đơn vị thi công. Theo ông Hồng, rất có thể trong quá trình thi công việc lu lèn mái kè chưa đảm bảo nên xảy ra hiện tượng trên. Hơn nữa, đơn vị thi công lại dùng đất cát bãi bồi thay cho đất đồi cung cấp cho dự án nên kết cấu, độ rắn chắc đã bị ảnh hưởng.
   
  Trong Báo cáo số 12/BC – QLDA ngày 30/01/2015 của Ban QLDA huyện Hoằng Hóa thì sự cố sụt lún, biến dạng mái kè thuộc tuyến kè số 1 (kè bãi tại xã Hoằng Khánh) xảy ra tại vị trí từ K0+55,6 đến K0+105,4 đang trong quá trình thi công do Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đảm nhận thi công. Việc sụt lún do các nguyên nhân: Mái kè là đất bãi bồi ven sông có địa chất yếu; Có mạch nước ngầm chảy ngang thân kè; Tải trọng trên mái kè lớn.
   
  Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Cán bộ kỹ thuật Ban QLDA huyện Hoằng Hóa thì để xử lý sự cố trên ban đã đề xuất hai phương án: Phương án 1: Tháo gỡ hết tấm cấu kiện, tập kết lại vị trí thuận lợi, bóc bỏ toàn bộ khối lượng đất trong cung trượt đắp trở lại thay thế bằng đất cấp 3 lu lèn chặt độ chặt yêu cầu K=0,95. Tại vị trí có mạch nước ngầm làm tầng lọc bằng đá hộc dẫn nước về một vị trí tập kết thuận lợi để dẫn ra sông, sau đó tiến hành dải vải lọc, lót đá 1x2 và lát lại cấu kiện bê tông. Phương án 2: Sau khi tháo dỡ hết tấm cấu kiện và độ chặt đạt yêu cầu K=0,95 thì tạo cơ cục bộ giữa mái kè đoạn đã xảy ra sự cố để giảm độ cao mái kè tức là giảm tải trọng cấu kiện bê tông đè lên mái. Mạch nước ngầm được xử lý như phương án 1.
   
  Ông Tùng cho biết: Việc khắc phục sự cố sụt lún nêu trên đơn vị thi công Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi phải có trách nhiệm thi công lại toàn bộ đến khi đạt yêu cầu.
   
Bài & ảnh: Tuyết Trang- Anh Tú
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kè sông Mã sụt lún nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO