Kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 sẽ đáp ứng các mục tiêu phát triển KTXH đất nước

23/03/2016 00:00

(TN&MT) - Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 11, sáng 24/3, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về “Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) về những vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Đào Trung Chính. Ảnh: Hoàng Minh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Đào Trung Chính. Ảnh: Hoàng Minh

PV: Ngày 21/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia và sáng 24/3, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về “Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020”, xin ông cho biết kế hoạch này có điểm gì mới so với các quy hoạch trước đây?

Ông Đào Trung Chính:Thứ nhất, quy hoạch này thực hiện theo định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020 mà Đại hội XII của Đảng mới đề ra. Trong kế hoạch này, có nhiều chỉ tiêu phát triển thay đổi mà Đại hội đã điều chỉnh như vấn đề tỷ lệ đô thị hóa trước đây là 45% thì nay còn từ 38% đến 40%. Vấn đề tiếp tục phát triển đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật then chốt và tăng trưởng kinh tế với việc phát triển các ngành kinh tế có hàm lượng giá trị gia tăng cao gắn với phát triển xanh cũng được đề ra khi lập kế hoạch này.

Thứ hai, kế hoạch lần này được xây dựng dựa trên việc ứng phó với Biến đổi khí hậu đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại tại các tỉnh phía Nam đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Thứ ba, một thực trạng đặt ra việc các địa phương sử dụng đất có các hành lang an toàn như: đất thủy lợi, đất giao thông, đất bảo vệ các nguồn nước, đất ven biển… có tình trạng chia cắt manh mún, không đảm bảo quyền sử dụng chung của cộng đồng… do đó kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần này sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

 

Video Clip ông Đào Trung Chính trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn

[video(47884)]

 

 

PV: Thưa ông, nếu sau khi “Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020” được Quốc hội thông qua, Tổng cục Quản lý Đất đai sẽ có tham mưu gì với lãnh đạo Bộ TN&MT cũng như Chính phủ để có chế tài giám sát việc thực thi ở các địa phương để tránh việc các địa phương thực hiện sai quy hoạch?

Ông Đào Trung Chính: Nếu sau khi “Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020” được Quốc hội thông qua, Tổng cục Quản lý Đất đai sẽ tham mưu cho Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ phân khai các chỉ tiêu mà Quốc hội đã duyệt cho các địa phương để các địa phương điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho phù hợp.

Trong các giải pháp tổ chức thự hiện, Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ đảm bảo nguồn kinh phí thường xuyên để: Thứ nhất, thực hiện việc kiểm tra công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương. Thứ hai, duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai công khai quy hoạch sử dụng đất theo hình thức công khai điện tử… phục vụ cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân tra cứu, giám sát việc thực hiện.

Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương pháp luận về quy hoạch đất đai để đưa vào dự án dự thảo Luật Quy hoạch để làm sao quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải là cơ sở để phân bổ nguồn lực đất đai cho các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường đặc biệt là phải hài hòa nhu cầu của các ngành, các lĩnh vực cũng như các địa phương về nhu cầu sử dụng đất.

PV: Một trong những vấn đề mà các đại biểu quốc hội và cử tri cả nước quan tâm đó là theo kế hoạch lần này, Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội giảm 52.000ha đất lúa so với mục tiêu đề ra, theo ông điều này có ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực của nước ta?

Ông Đào Trung Chính: Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và các yếu tố liên quan đến thị trường tiêu thụ nông sản đang khó khăn như hiện nay, một phần diện tích đất trồng lúa không đáp ứng đủ các điều kiện để tiếp tục trồng lúa

Theo tính toán của các chuyên gia và các bộ ngành chức năng… nếu chúng ta giảm một phần đất trồng lúa xuống còn hơn 3,7 triệu héc ta thì chúng ta sẽ có hơn 7 triệu héc ta gieo trồng. Và với năng xuất dự kiến đạt 60 đến 62 tạ/ha, sản lượng lúa sẽ đạt 42 triệu tấn/năm. Trong khi nhu cầu về lúa gạo phục vụ: dự trữ Quốc gia, đời sống, phát triển chăn nuôi, chế biến... cũng chỉ từ 35 đến 36 triệu tấn. Với mức dân số khoảng 100 triệu người vào năm 2020, chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực và xuất khấu được từ 5 đến 6 triệu tấn. Như vậy việc giảm 52.000ha đất trồng lúa không ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước ta.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Việt Hùng - Trường Giang - Đức Thiện (thực hiện)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 sẽ đáp ứng các mục tiêu phát triển KTXH đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO