KCN Tiền Hải, Thái Bình: Quá tải… ô nhiễm

05/03/2014 00:00

(TN&MT) - Từ một huyện nghèo ven biển, nay Tiền Hải, Thái Bình đã trở thành địa phương đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

(TN&MT) - Từ một huyện nghèo ven biển, nay Tiền Hải, Thái Bình đã trở thành địa phương đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Có được điều này không thể phủ nhận những đóng góp tích cực từ quá trình phát triển KCN. Nhưng có một thực tế đáng buồn là chính KCN Tiền Hải lại đang dóng lên những hồi chuông cảnh báo về mức độ ô nhiễm môi trường.
   
Chất thải, nước thải “đổ tùy thích”
   
  Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải rộng gần 250 ha bước đầu thu hút 36 dự án đầu tư. Hiện, đang có 27 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu trong lĩnh vực sứ vệ sinh, thủy tinh pha lê và gạch ốp lát. Nhưng cho đến nay, KCN vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Bãi chứa và xử lý chất thải rắn hoạt động từ cuối năm 2010 nhưng mới chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia đổ chất thải rắn, gần như toàn bộ chất thải từ các cơ sở sản xuất đều xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề. Nếu ai từng có lần xuống tới bãi biển Đồng Châu hay đến với Cồn Vành một địa danh mới nổi của Thái Bình hẳn sẽ có ấn tượng khó quên bởi những bãi chất thải và vật liệu được đổ một cách hiên ngang hai bên vệ đường. Ngày nắng thì bụi bay mù mịt từ những ống khói sản xuất gốm, còn ngày mưa những bãi đất sét ven đường lênh láng nước thải cảm tưởng như chính đất cũng đang “chảy máu” vì những hành vi xâm hại đến môi trường một cách cực đoan. Những bãi gốm sứ thải bỏ vỡ lởm chởm hay những đống đất quanh năm âm thầm dầm mưa dãi nắng vẫn đứng ...chình ình và sẽ tiếp tục được “bồi lấp” mặc cho sự kêu trời của người dân đi đường hay những hộ dân sống xung quanh…
   
Những đống phế thải chưa xử lý được đổ tràn lan ven đường tại KCN Tiền Hải
    
   
  Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải, trung bình mỗi ngày, các doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải thải ra khoảng 101,6 tấn rác thải rắn. Những năm qua, do không có điểm chứa chất thải, các doanh nghiệp đều xả thẳng chất thải rắn ra 2 bên lề đường. Hiện nay, KCN Tiền Hải đã có bãi chứa chất thải rắn rộng 4,6 ha. Đã đưa vào sử dụng tháng 10/2010, do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý nhưng do hiệu quả không cao, không có doanh nghiệp tham gia đổ chất thải rắn nên tháng 10/2012 đã bàn giao cho UBND huyện Tiền Hải quản lý.
   
Dân khổ vì ô nhiễm
   
  Được biết, hiện nay UBND huyện Tiền Hải đã giao cho Công ty Môi trường huyện quản lý, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia đổ chất thải rắn tại bãi rác thải tập trung. Tuy nhiên, việc tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tham gia đóng phí rác thải vẫn chưa được UBND huyện triển khai mà mới chỉ có công văn chỉ đạo, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp trong KCN tham gia đổ rác đúng nơi quy định. Do đó, các doanh nghiệp vẫn “cố tình” chưa tham gia.
   
  Còn đối với nước thải, hiện nay KCN Tiền Hải chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngoại trừ Công ty cổ phần Gạch ốp lát Thái Bình và một số công ty lớn đã xây dựng hệ thống xử lý, còn lại đa số các doanh nghiệp trong KCN vẫn đổ thẳng nước thải ra sông Long Hầu, khiến cho con sông bị ô nhiễm nặng nề. Hơn nữa, tại những bãi tập kết nguyên liệu đất sét của các doanh nghiệp, do không có tường bao phân cách giữa KCN với khu dân cư nên sau mỗi trận mưa, nước thải chứa đất sét đã ngập tràn trắng xóa đồng ruộng, làm ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân xung quanh.
   
  Bà Trần Thị Hạnh, thôn Đức Cơ (Đông Cơ) bức xúc: Không chỉ có rác thải rắn được đổ tràn lan khắp nơi mà ngay cả nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm nặng nề từ các doanh nghiệp trong KCN. Các doanh nghiệp ở đây đã sử dụng nguồn nước khá lớn để hoạt động sản xuất, thế nhưng khi thải ra môi trường lại thải trực tiếp ra vùng lân cận KCN mà không hề xử lý, điều này khiến cho nhiều kênh mương đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhất là mùa mưa, nước thải từ đất sét làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Theo ông Huỳnh Văn Đán - Chủ tịch UBND xã Đông Cơ: UBND xã cũng thường xuyên nhận được phản ánh của nhân dân về mùi hôi, thối bốc lên từ nguồn nước ô nhiễm, cá chết, lúa năng suất kém nhưng do không phải là cơ quan chuyên môn nên chúng tôi đành chịu! Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để tìm giải pháp khắc phục nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy cơ quan chuyên môn có động thái gì về việc khắc phục tình trạng trên.
   
  Thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải và khí thải công nghiệp gây ra từ KCN này đang là vấn đề cần giải quyết cấp bách. Những thách thức này nếu không được giải quyết tốt có thể gây ra những thảm hoạ về môi trường và biến đổi khí hậu, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ người dân hiện tại và tương lai, phá hỏng những thành tựu phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
   
Thụy Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
KCN Tiền Hải, Thái Bình: Quá tải… ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO