Cuối năm 2019, Công ty TNHH Kinh doanh và chế biến Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo tại xã Ia Ke (huyện Phú Thiện). Nhà có diện tích 6,4ha, sản phẩm chính là gạo thành phẩm với công suất 60 tấn lúa/ngày; công suất sấy 100 tấn lúa tươi/ngày với tổng vốn đầu tư là 110 tỷ đồng, trong đó việc đầu tư mua sắm dây chuyền chế biến lúa gạo chiếm 55 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và chế biến Tây Nguyên nói rằng Công ty đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến lúa gạo chất lượng cao với hệ thống nhà điều hành, kho bãi, sân phơi bài bản. Đây được xem là nhà máy chế biến lúa gạo lớn nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay.
Nhà máy có dây chuyền chế biến hầu như tự động với quy trình từ đầu vào là các bao thóc đến thành phẩm là những bao gạo trắng. Khâu chế biến gạo được trải qua nhiều giai đoạn như làm sạch các hạt thóc, tách dị vật khỏi thóc, kế tiếp là khâu xay xát, phần quan trọng nhất của giai đoạn này là quy trình làm trắng gạo; tiếp đến là các quy trình tách tạp chất lẫn trong gạo trắng và hạt gạo bị hỏng với những cảm biến hồng ngoại; sau cùng là gạo thành phẩm sẽ được tự động đóng vào bao với các quy trình tự động hóa. Thành phẩm được đóng gói trong bao bì được hút chân không nhằm giữ ổn định chất lượng.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp còn thu hồi được trấu, cám phục vụ cho những mục đích sản xuất khác, góp phần nâng cao lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhà máy sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.
“Để có nguồn nguyên liệu cho nhà máy, trước mắt Công ty sẽ thông qua kênh các hợp tác xã trên địa bàn thu mua lúa của người dân sản xuất trên những cánh đồng lớn. Vì đây là những cánh đồng được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao chất sản phẩm của đơn vị. Hiện nay, tiến độ thi công xây dựng đạt khoảng 50% khối lượng, dự kiến đến cuối năm 2020 nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào vận hành. Việc nhà máy đi vào vận hành sẽ tiêu thụ khoảng 30% sản lượng lúa hàng năm của địa phương”, ông Khánh cho hay.
Với diện tích hơn 6.000ha đất ruộng, sản lượng lúa Phú Thiện hàng năm đạt khoảng gần 1 triệu tấn, tuy vậy, thị trường tiêu thụ không ổn định; hoạt động chế biến lúa gạo còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân tạo thành vùng nguyên liệu ổn định.