Môi trường được kiểm soát
Bảo đảm vệ sinh môi trường là một trong những nhiệm vụ được huyện Gia Lâm hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện đã bố trí 58 điểm tập kết rác thải sinh hoạt. Trung bình mỗi ngày có khoảng 175 tấn rác được vận chuyển (đạt 100% khối lượng phát sinh). Để bảo đảm rác thải được tiêu hủy đúng quy định, huyện đã đầu tư gần 3,1 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý. Do đó, trên địa bàn cơ bản không có rác thải tồn đọng lâu ngày.
Công tác quản lý chất thải y tế cũng được địa phương giám sát chặt chẽ. Toàn huyện Gia Lâm hiện có 1 bệnh viện, 3 phòng khám, 22 trung tâm y tế và 49 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Trong đó, 100% cơ sở đã và đang thực hiện việc phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn y tế theo đúng các quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT giữa Bộ Y tế và Bộ TN&MT.
Đối với môi trường làng nghề, địa phương đã tiến hành ký cam kết bảo vệ môi trường đối với 797/842 cơ sở sản xuất kinh doanh tại 5 làng nghề, và 267/278 cơ sở nằm ngoài cụm công nghiệp, làng nghề. Nhìn chung, các cơ sở đều nghiêm túc thực hiện việc thu gom chất thải, tập kết, vận chuyển đi xử lý đúng nơi quy định.
Đáng chú ý, môi trường chăn nuôi được xem là bài toán nan giải tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, nhưng tại huyện Gia Lâm, vấn đề này đang được kiểm soát khá tốt. Đã có 1.956/2.126 hộ chăn nuôi thực hiện lắp đặt bể khí sinh học biogas, hố ga lắng bùn cặn. Hiện, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh đang được thực hiện rộng rãi và hiệu quả tại các xã Phù Đổng, Đổng Xuyên, Đa Tốn…
Vẫn loay hoay với ô nhiễm sông
Để giải quyết triệt để bài toán chất thải rắn, huyện Gia Lâm đang lập dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn với quy mô 4,1ha tại xã Kim Sơn, công suất 178 tấn/ngày, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Công trình sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong ngày trên địa bàn.
Tuy nhiên, bài toán môi trường tại huyện Gia Lâm vẫn đang phải đối diện với một khó khăn, đó là tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây và sông Thiên Đức. Điều đáng nói, nguồn thải không phát sinh trên địa bàn huyện Gia Lâm, nhưng do địa phương này nằm cuối nguồn thải nên phải gánh hệ lụy nặng nề. Điều này cũng khiến việc kiểm soát, cũng như ngăn chặn tình trạng ô nhiễm gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, địa phương đang rất nỗ lực để trở thành huyện NTM thứ 5 của TP Hà Nội trong năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, huyện kiến nghị UBND TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án nạo vét sông Cầu Bây, với tổng chiều dài tuyến sông chạy qua huyện Gia Lâm hoảng 7,2km. Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác duy tu, duy trì (vớt bèo, rác trên sông)… “Về tổng thể cải tạo sông Cầu Bây, sông Thiên Đức, nếu không thể kết hợp cải tạo sông với thu gom nước thải, xử lý môi trường bằng hình thức xã hội hóa, đề nghị các sở, ngành sớm trình UBND TP để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn” - ông Quân đề xuất.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cũng cho biết thêm, đối với bài toán môi trường chăn nuôi, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các nông hộ xây dựng những công trình khí sinh học biogas, nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và trùn quế để xử lý môi trường. Định hướng xa hơn là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy hoạch chăn nuôi xa khu dân cư nhằm giải quyết triệt để vấn đề môi trường.