Huyện Điện Biên: Bao giờ dẹp xong “cát tặc”?

08/06/2018 10:08

(TN&MT) - Huyện Điện Biên bao giờ dẹp xong cát “tặc”? Thấy nóng ruột thì hỏi chứ dư luận chưa biết đến khi nào thì nạn khai thác cát lậu trên địa bàn huyện Điện Biên được chính quyền xử lý dứt điểm. Chỉ biết rằng các bãi màu của người dân diện tích ngày một vơi đi, lòng sông Nậm Rốm mỗi khi cạn trơ đáy ngổn ngang như trận địa.

 

Theo như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, hiện nay trên địa bàn 3 xã Noong Hẹt, Noong Luống và Pom Lót nạn khai thác cát lậu diễn ra hết sức phức tạp. Mọi hoạt động xử phạt của chính quyền cấp xã, cấp huyện dường như chưa đủ “sức nặng” để các đơn vị khai thác cát lậu dừng hẳn hoạt động khai thác cát trái phép.
 

Một điểm khai thác cát tại xã Noong Hẹt
Một điểm khai thác cát trái phép ngay sát nhà dân tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên 

Tại các xã Noong Hẹt, Noong Luống và Pom Lót hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra từ rất nhiều năm nay, có  những điểm hút cát nằm ngay “nách” Trụ sở UBND xã như điểm hút cát của chủ máy Phạm Ngọc Quang, hoạt động 7,8 năm nay, rồi chủ máy dưới có tên là Ngọc, 2 điểm hút cát này cách nơi làm việc của chính quyền xã Pom Lót chưa đầy 2km. Vậy mà các máy hút cát lậu vẫn diễn ra ngang nhiên như chốn không người... Cho đến tận bây giờ, sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi các doanh nghiệp được cấp phép không cạnh tranh giá cát với các điểm hút cát lậu nên nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến việc tụ tập đông người treo băng zôn, biểu ngữ “đả đảo cát tặc” thì lúc này các cấp chính quyền huyện Điện Biên mới “bớt bận...” để dồn lực lượng dẹp bằng được “cát tặc”.
 

Bà Nguyễn Thị Tứ, đội 19, xã Pom Lót, cho biết: Nhà cô cách điểm hút cát chưa đầy 1km nên máy hoạt động khi nào là mọi người ở đây biết ngay. Trước huyện chưa làm gắt họ chở cát đi qua nhà cô suốt ngày đêm, không đêm nào ngon giấc, giờ thì nửa đêm họ mới chở. Họ không hút lên bãi mà hút trực tiếp vào xe ô tô tải rồi chở đi... Họ không hút liền một lúc, cứ vài tiếng lại nghỉ để tránh sự chú ý của các cơ quan chức năng.
 

Tháng 5 vừa qua, tại 3 xã Noong Hẹt, Noong Luống và Pom Lót lại được dịp đón nhiều đoàn công tác, rồi tổ công tác liên ngành của huyện, của xã... thậm chí của cả tỉnh Điện Biên xuống nắm bắt tình hình, chỉ đạo, dẹp loạn “cát tặc”. Người dân 3 xã này được mấy ngày yên giấc... Nhưng khi đoàn công tác liên ngành của huyện Điện Biên do ông Phạm Đức Toàn, Bí thư huyện Điện Biên dẫn đầu đi thịnh sát rút về chưa đầy 24 tiếng, các điểm “cát tặc” lại hoành hành.

Hôm sau, chúng tôi có mặt tại các điểm hút cát lậu, điểm nào máy móc cũng nằm lăn lóc như vừa giã từ hoạt động. Nhưng các vết cào của máy xúc, vết bánh xe đi thì vẫn còn rất mới. Cho thấy, độ nhanh nhậy nắm bắt thông tin của các điểm hút cát lậu cập nhật nhanh hơn cả đường truyền internet.

 

Nhiều diện tích đất màu của người dân bị sạt lở
Nhiều diện tích đất màu của người dân bị sạt lở 

Nhiều điểm khai thác cát lậu “núp bóng” các điểm khai thác được cấp phép đã hết trữ lượng để thò vòi hoạt động giữa ban ngày. Các cơ quan chức năng xuống kiểm tra không xác định được gianh giới giữa hai điểm được cấp phép và không được cấp phép... vì lỗ hổng trong việc cấp quyền khai thác đã không bàn giao trên thực địa cắm mốc chia danh giới địa bàn.

 

Hiện tại, các điểm hút cát lậu không hoạt động công khai mà tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ trưa và đặc biệt là thời điểm nửa đêm. Lúc đó thì chẳng có tổ công tác nào, UBND xã nào làm việc nữa để mà khai báo hay phối hợp xử lý kịp thời. Lợi nhuận từ việc thai thác cát lậu đã khiến các cơ quan chức năng huyện Điện Biên dường như bất lực trước nạn "cát tặc"; xử phạt họ sẵn sàng nộp phạt, thu máy họ để cho thu... Vài ngày sau mọi thứ đâu lại hoàn đó.

 

Câu hỏi đặt ra: Phải chăng cả hệ thống chính trị huyện Điên Biên, các cơ quan chức năng, phòng cảnh sát môi trường cấp huyện, cấp tỉnh lại không đủ chế tài để dẹp nạn “cát tặc” ở huyện Điện Biên?

 

Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, trả lời PV Báo tài nguyên và Môi trường: Trước mắt chúng tôi thành lập tổ công tác liên ngành của huyện xuống kiểm tra các cơ sở khai thác cát trên địa bàn 3 xã Noong Hẹt, Noong Luống và Pom Lót kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Hướng về lâu dài giao cho chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, UBND huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác cát lậu trên địa bàn, đồng thời tham mưu với UBND tỉnh xin chủ trương cho huyện được cấp phép cho các hộ khai thác nhỏ lẻ, trữ lượng cát ít để người dân có cát phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn và làm bình ổn giá cát tại địa phương.

 

Nghĩa là chủ tịch UBND các xã luôn là quân chủ lực trong hoạt động ngăn chặn tình khai thác cát lậu trên địa bàn. Và câu trả lời: hiệu quả của việc giao trách nhiệm cho các vị đứng đầu xã, nạn “cát tặc” tại một số xã của huyện Điện Biên suốt nhiều năm qua bây giờ vẫn còn nguyên đó. Và cũng suốt từ nhiều năm qua chưa thấy cán bộ xã nào phải chuyển công tác, chuyển vị trí trong việc ngăn chặn nạn “cát tặc”... Tất cả vẫn còn nguyên đó song hành cùng “cát tặc”.

 

Dư luận đặt ra câu hỏi: Bao giờ huyện Điện Biên dẹp xong “cát tặc”? Đúng là chẳng biết đến bao giờ nếu như chế tài của cấp xã phạt mỗi chủ máy không quá 5 triệu đồng và thu giữ máy móc trị giá cũng không quá 5 triệu đồng. Như vậy, câu chuyện “cát tặc” hôm nay của huyện Điện Biên chắc chưa thể nào kết thúc nay mai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Điện Biên: Bao giờ dẹp xong “cát tặc”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO