Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistic vùng ĐBSCL

22/08/2016 00:00

(TN&MT) - Hội nghị chuyên đề "Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistic của vùng đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra tại TP.Cần Thơ...

 

(TN&MT) - Hội nghị chuyên đề “Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistic của vùng đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại TP.Cần Thơ sáng nay (22/8) do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, các bộ ngành, địa phương đã đề cập nhiều đến giải pháp xã hội hóa…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, Viện nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông vận tải), nêu rõ việc đầu tư phát triển giao thông trong vùng ĐBSCL những năm qua nặng về đầu tư phát triển đường bộ, chưa quan tâm phát huy đúng mức thế mạnh hệ thống đường thủy vốn. Cụ thể, 5 năm gần đây, đầu tư cho giao thông đường thủy chỉ chiếm 1,7% tổng nguồn vốn xây dựng giao thông, trong khi đó giao thông bộ chiếm trên 80%. Trong đầu tư cho giao thông thủy cũng thiếu đồng bộ, chỉ tập trung đầu tư, xem nhẹ việc duy tu, bảo trì luồng lạch, trang thiết bị đường thủy, nâng cao năng lực bốc xếp, kho bãi… và hệ thống cảng biển, cảng sông trên địa bàn thì manh mún và các trung tâm logistic cũng không gắn kết với hệ thống cảng, chưa đáp ứng được yêu cầu thu mua nông sản tập trung của doanh nghiệp. Do đó, 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải qua TP.HCM hoặc cảng Cái Mép - Thị Vải, trong đó 90% phải sử dụng đường bộ.

Ông Phạm Thế Dương, Giám đốc khu vực Tây Nam Bộ của Tổng công ty Tân Cảng, cho rằng do thiếu năng lực vận tải thủy mà doanh nghiệp xuất khẩu tới TP.HCM bằng đường bộ mất thêm tới 60% chi phí. Trong đó, có ảnh hưởng từ tình trạng nhân lực cho ngành logistic của vùng còn yếu và thiếu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem bản đồ quy hoạch giao thông vùng ĐBSCL
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem bản đồ quy hoạch giao thông vùng ĐBSCL

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, cả nước đã có gần 1.000 km đường cao tốc nhưng riêng vùng ĐBSCL mới chỉ có 45 km (từ Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương). ĐBSCL cần thực hiện một cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư để xây dựng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc, cụ thể là đoạn từ Trung Lương về Cần Thơ. Nên nghiên cứu việc bán quyền thu phí đã áp dụng tại đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, sau khi bán quyền thu phí thì mỗi năm thu 2.000 tỷ đồng và chỉ 5 năm là lấy lại vốn.

Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng ĐBSCL cần xây dựng một trung tâm logistic của vùng trên cơ sở xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Ông Hải cũng cho biết hiện có một số doanh nghiệp đang tìm hiểu để đầu tư trung tâm logistic tại cảng Cái Cui thuộc địa bàn TP.Cần Thơ. Hiện Bộ Công Thương cũng đang tiến hành tham mưu sửa đổi Nghị định 140 của Chính phủ về phát triển logistic theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển logistic tại vùng ĐBSCL.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc qui hoạch, bố trí quỹ đất phát triển giao thông và hệ thống logistic, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi, đề nghị các Bộ ngành trung ương phải có cơ chế huy động nguồn lực hết sức cụ thể cho địa phương thực hiện; đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc định giá các loại đất.

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thống nhất cần phải có Luật về hợp tác công tư, đảm bảo sự minh bạch, rạch ròi trong PPP hay BOT với mức độ đầu tư cao hơn, nhất là trong lĩnh vực logistic. Các Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính căn cứ đề xuất trong Đề án huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và logistic của vùng, phối hợp với các tỉnh rà soát công trình có tính chất liên vùng để đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016- 2020 theo thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực nhà nước gồm các nguồn ODA, Trái phiếu chính phủ, ngân sách đầu tư công tập trung, các chương trình mục tiêu để giải quyết hạ tầng cho vùng, trình Chính phủ cho ý kiến.

Phó Thủ tướng cũng nêu những công trình trọng yếu cần tập trung thu xếp đầu tư, gồm: Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện QL 60 qua Trà Vinh- Sóc Trăng tổng vốn đầu tư 1.142 tỷ đồng sử dụng nguồn Trái phiếu chính phủ; cầu Đãi Ngãi nối Trà Vinh- Sóc Trăng giá trị hơn 8.000 tỷ đồng sử dụng vốn vay ODA; cầu Rạch Miễu 2 giá trị 3.700 tỷ đồng cũng đã đàm phán vay vốn Hàn Quốc; dự án nâng cấp QL 91C kết nối lên Campuchia đầu tư bằng Trái phiếu chính phủ; mở rộng tuyến QL 1 đoạn Cà Mau - Năm Căn; cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang - Vĩnh Long bằng vốn ODA của Nhật; tuyến nối thành phố Vị Thanh đi Bạc Liêu. Tuyến Cao tốc Trung Lương- Cần Thơ phải rà soát lại năng lực nhà đầu tư BOT.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị thu hút nhà đầu tư logistic vào vùng, công bố các chính sách, tháo gỡ vướng mắc khó khăn và tìm được các nhà đầu tư chiến lược vào vận tải cho vùng ĐBSCL. Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế và chính sách đủ mạnh thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào vùng ĐBSCL như cơ chế đặc thù cho phát triển hạ tầng và cả vận tải, logistic, chính sách thuế, thu tiền sử dụng đất,... “Ngoài công trình quan trọng trong tỉnh thì phải quan tâm tới các công trình kết nối vùng ĐBSCL trong tổ chức mặt bằng, quản lý, khai thác các dự án giao thông; kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, tắc trong khai thác vận hành” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với cảng biển nước sâu của vùng- lối ra cho hàng hóa xuất khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cũng phải đặt ra phương án nghiên cứu một cảng nước sâu, trong đó có vị trí cảng Hòn Khoai tại Cà Mau (là vị trí tiếp giáp biển Đông và biển Tây, các đường hàng hải Quốc tế 12 hải lý, cách mũi Cà Mau 15km và cách đường Hồ Chí Minh 14km, có thể đáp ứng tàu cho 250.000 tấn). Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành hàng không cần tiếp tục quan tâm mở rộng năng lực khai thác của cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.

Phong Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistic vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO