Hướng Hóa…khát

29/07/2014 00:00

(TN&MT) - Cả một vùng miền núi ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vào mùa khô được ví như chảo lửa khiến lúa cháy, cây khát.

(TN&MT) - Cả một vùng miền núi ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vào mùa khô được ví như chảo lửa khiến lúa cháy, cây khát. Vào mùa mưa, nước có thừa, nhưng lại mất vệ sinh trầm trọng.
   
Mùa nào cũng khát…
   
  Dòng sông Sê Pôn chảy qua địa phận các xã Xy, Thuận, Thanh, A Dơi mùa này cạn nước. Nhưng đó là nguồn sống của những xã giáp biên với nước Lào ở huyện Hướng Hóa. Mùa hạ, khi những cơn gió Lào thổi hơi khô nóng như táp lửa vào mặt khách bộ hành thì cũng là lúc cây sắn cây ngô trên đồi cháy nắng và khô hạn, người dân phải ra sông, suối chắt từng chút nước một. Mùa mưa thì áng phù sa đục ngàu trên từng con sông, con suối, người dân lại phải múc thứ nước đục ấy sinh hoạt.
   
Thiếu nước, người dân vùng cao huyện Hướng Hóa phải cố gắng hứng từng giọt nước mưa để dùng.
    
   
  Xã Thanh, một trong những xã khó khăn nằm xa tít tắp về phía Tây của huyện Hướng Hóa. Hiện nay, đồng bào ở đây đang phải đối diện với một cơn khát trầm trọng, khi mọi nhu cầu nước sinh hoạt đều phải lấy từ con sông Sê Pôn cách trung tâm của xã gần 1 cây số. Nước giếng khoan hầu như không thể sử dụng bởi nồng độ phèn và vôi quá lớn.
   
  Gia đình Pảh Khăm (sinh năm 1944) thôn A Ho, bản 11 xã Thanh là một trong những hộ dân đủ điều kiện khoan một giếng khoan để sử dụng. Nhưng nước giếng khoan bơm lên cũng chỉ có thể tắm giặt và rửa tay chân chứ không thể uống và nấu ăn được vì nhiễm phèn. Để khoan giếng, Pảh Khăm đầu tư máy móc hết 20 triệu đồng, nếu gắng đầu tư thêm chừng đó tiền nữa mua vật liệu xây bể lọc thì có thể dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Nhưng gia đình Pảh Khăm không cố thêm được nữa. Cả nhà 5 miệng ăn dành dụm mấy năm mới khoan được giếng.
   
  Lấy nước từ  song Sê Pôn quả là một việc nặng nhọc. Nhưng với bà Hồ Thị Say, thôn Ro Man, xã Xy thì: "Chân quen rồi, đi gánh nước có 2 cây số thôi mà, đi được hết. Buổi sáng thì 5 giờ sáng, buổi chiều 5 giờ chiều". Sáng, chiều thanh niên trai tráng lên rẫy lên nương, chỉ có bà già và trẻ nhỏ thường phải ra sông lấy nước. Một ngày, một gia đình như bà Say (gồm 8 người) dùng mấy khối nước, nhưng chỉ có mình bà Say đảm nhiệm việc đi lấy. Tính ra, bước chân bà Say thường nhật ngược xuôi từ nhà ra sông Sê Pôn phải đến hàng cây số đường đồi dốc.
   
  Bến sông, là nơi tắm giặt, nơi lấy nước ăn, cũng là nơi tắm của gia súc. Chiều tà, sáng sớm các bà, các em và các mẹ nối nhau ra sông. Những bình nước đục ngàu phù sa theo bước chân về từng bữa ăn trong gia đình. Cả vùng Lìa của huyện miền núi Hướng Hóa bao gồm các xã như Xy, A Túc, A Dơi, A Xing, Thanh, Thuận, Pa Tầng, Hướng Lộc… đều nằm trong cơn khát trầm trọng vào mùa khô và dùng nước mất vệ sinh vào mùa mưa. Giữa điệp trùng núi cao của vùng biên viễn xa xôi, nhiều người dân đang cần nước.
   
Bến sông là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
    
   
Nước sạch - giấc mơ trên trời
   
  Việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất như tảng đá lớn ngăn cản sự phát triển kinh tế, xã hội của xã Thanh lâu nay. Thực tế đó đã đặt cả làng, cả bản vào cái vòng lẩn quẩn của khó khăn và nghèo túng. Nhu cầu sinh hoạt, sản xuất hầu hết đều phải dựa vào nước trời, cụ thể là nước sông Sê Pôn và nước mưa, ông Hồ Văn Hạnh - Chủ tịch xã Thanh phân trần. Oái oăm thay, dòng sông Sê Pôn - nguồn nước sinh hoạt chính yếu của người dân những bản vùng biên vào mùa nắng thì cạn róc đáy, vào mùa mưa thì phù sa lại đổ về làm dòng nước bị khuấy đục.
   
  Xã Thanh, có 10 bản, 636 hộ, với những tên thôn đọc lên đã nghe thấy heo hút xa ngái như: Thanh 1, Pa Lọ Ô, Pa Lọ Vạc, Ta Nô Cua… đa phần đều là những thôn thiếu nước. Cả xã chỉ có khoảng 57 hộ có nước giếng khoan để sử dụng tắm giặt và không hộ nào đầu tư được bể lọc để lọc nước dùng trong ăn uống. Ông Hồ Văn Hạnh cho biết: Trước đây, từ nguồn vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng của tỉnh, trên địa bàn xã đã xây dựng được 18 bể nước tự chảy dẫn nước từ núi về cho bà con sử dụng. Nhưng sau khi được bàn giao vào năm 2007 thì đến năm 2008 nước lúc có lúc không; sau một năm sau nữa thì không chảy thêm được giọt nào. Nguyên nhân thì nhiều, giải thích cũng nhiều lắm rồi. Một phần do nguồn nước dẫn từ núi về không ổn định, thứ nữa bà con không có ý thức, đục thủng đường ống cho nước chảy về nhà mình, rồi do thiên tai nên những đường ống dẫn hư hỏng - ông Hạnh nói. Để có nước sạch bà con  phải mua nước lọc về sử dụng với giá 15 ngàn một bình 21 lít. Nhưng không phải ai cũng mua được. Thiếu nước, cả xã Thanh tiệt không có một mảnh đất ruộng trồng lúa, rẫy sắn, nương ngô mỗi khi đến mùa hạn bà con chỉ biết ngửa mặt lên trời cầu mưa. Nước hiếm, lại nhờ trời nên gió và nắng khiến mọi thứ quắt queo đến thảm hại, khiến cuộc sống của đồng bào cứ dai dẳng với củ sắn, hạt ngô…
   
   
Nhiều bể nước sạch tự chảy không thể sử dụng.
    
Trẻ em cũng được huy động ra sông Sê Pôn lấy nước.
    
    
   
  Cách xã Thanh vài cây số đường đồi là xã Xy cũng nằm chung một số phận tương tự. Cả xã, bà con đa phần đều phải sử dụng nước sông Sê Pôn và tận dụng nước mưa để dùng. Xã Xy trước đây cũng từng được đầu tư xây dựng bể nước tự chảy từ năm 1997. Anh Hồ Văn - Phó Chủ tịch xã Xy khái quát: Nhưng nước chảy từ hệ thống tự chảy này cũng… "chập cheng", lúc có lúc không. Toàn xã chỉ có 3 thôn Kon Thương, Xi La và Xi Ka Reo, là có nước dùng tàm tạm (tức là nơi có nơi không - PV). Mùa nắng vừa qua chả có giọt nước nào về bể chứa cả, chỉ vào mùa mưa mới có nước chảy thỉnh thoảng chảy vào bể mà thôi. Còn những thôn: Troa nô, Ro Man, Ta Nua cả thảy gần 300 hộ dân đều phải dùng nước sông Sê Pôn để sinh hoạt và chờ nước sạch chảy từ mái nhà mỗi dịp trời mưa.
   
  Chiều đến se sắt nắng vàng và gió Lào ngun ngút thổi trên những sườn dốc của núi hoang và những thung lũng sâu. Dọc con đường đầy ổ gà lên vùng cao của Huyện Hướng Hóa là những nương sắn nương ngô phần đa lá vàng úa héo, trên ngọn mới nhú lên những búp xanh do hớp được mấy trận mưa đầu mùa. Mưa tháng 6 máu rồng, dòng Sê Pôn đục ngàu cuộn chảy. Bên dòng nước, các bà, các mẹ gùi bầu đi lấy nước liêu xiêu trong nắng.
  Bài và ảnh: Hải Tân – Anh Dũng
   
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng Hóa…khát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO