Hướng đi mới cho phát triển giao thông đô thị TP. Đà Nẵng

10/02/2017 00:00

(TN&MT) - Giao thông luôn được xem là động lực, là tiền đề cho sự phát triển của mỗi thành phố, mỗi quốc gia. Muốn phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng cần tiếp tục củng cố, phát huy vai trò đầu mối giao thông quan trọng của thành phố đối với khu vực. Hệ thống giao thông hiện nay của Đà Nẵng vẫn còn nhiều tồn tại và chưa có tầm nhìn xa, Đà Nẵng đang rất cần có những giải pháp để phát triển giao thông đô thị bền vững.

Hệ thống giao thông của TP. Đà Nẵng vẫn còn nhiều tồn tại và còn mang tính tạm thời
Hệ thống giao thông của TP. Đà Nẵng vẫn còn nhiều tồn tại và còn mang tính tạm thời

Hệ thống giao thông hiện nay vẫn mang tính ngắn hạn

Hiện nay, theo như quy hoạch đô thị thì diện tích dành cho giao thông tĩnh là thiếu. Diện tích của hệ thống bến bãi, gara, điểm đậu, đỗ ... chỉ có 17,4 ha, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu trên tổng số phương tiện hiện có. Hiện nay, vấn đề bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm đã thực sự bức xúc và chỉ khoảng 5 năm tới với sự tăng trưởng nhanh lượng xe ô tô gia đình, xe máy của người dân sống trong thành phố thì vấn đề bãi đỗ xe càng trở nên phức tạp. Đó là chưa kể đến các phương tiện giao thông công cộng và các phương tiện giao thông ngoại tỉnh khi vào thành phố.

Ngoài ra, các phân khu chức năng, không gian đô thị còn chưa có sự gắn kết, đồng bộ với quy hoạch giao thông, đẫn đến tình trạng quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng các công trình thương mại, công trình công cộng  chưa phù hợp với mạng lưới giao thông, đó là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc tại khu vực trung tâm thành phố. Thành phố cũng chưa có quuy hoạch hệ thống công trình ngầm. Với quỹ đất hạn hẹp, lại được định hướng phát triển theo du lịch, Đà Nẵng nhất thiết phải khai thác mạnh về không gian ngầm và phát triển giao thông ngầm, trên cao.

Cơ cấu quy hoạch giao thông còn nhiều bất cập, mạng lưới đường phân bố không đồng đều, phân loại đường không rõ ràng. Hệ thống đường sắt không kết nối với đường bộ. Nút giao thông chủ yếu là nút cùng mức, nhiều nút giao quy hoạch không đúng chuẩn xây dựng đẫn đến dễ ùn tắc, mất ATGT.

Phát triển giao thông đô thị bền vững

Để kinh tế xã hội có điều kiện phát triển bền vững thì việc phát triển giao thông như là một bàn đạp tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Với tình trạng giao thông đô thị hiện nay, TP. Đà Nẵng cần nghiên cứu các giải pháp nhằm hướng đến giao thông đô thị bền vững.

Đà Nẵng cần khai thác phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao vào quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng
Đà Nẵng cần khai thác phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao vào quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng

Hiện nay, việc quản lý nhu cầu giao thông (TDM) được mô tả như là một nghệ thuật có ảnh hưởng đến thái độ của người tham gia giao thông với mục đích làm giảm nhu cầu đi lại hoặc phân bổ lại nhu cầu tham gia giao thông trong phạm vi không gian và thời gian cụ thể. Theo chiến lược của TDM thì cần triển khai các biện pháp như: khuyến khích sử dụng giao thông công cộng; điều tiết giao thông tránh các điểm có xung đột và lưu lượng lớn để giảm tắc nghẽn và tai nạn; phân bố lại luồng giao thông trên các trục chính; xây dựng cơ sở vật chất và môi trường thân thiện với GTCC, xe đạp; tăng giá lệ phí cầu đường, phí đậu đỗ để từng bước hạn chế các phương tiện cá nhân tham gia giao thông...

Đồng thời, thành phố cũng cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên nguyên tắc mạng lưới giao thông phải đi trước một bước theo hướng hiện đại hóa và làm tiền đề cho sự phát triển đô thị, thu hút các nguồn đầu tư. Quy hoạch giao thông đô thị phải gắn với quy hoạch sử dụng đất. Bổ sung nội dung định hướng quy hoạch phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao vào quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu thực hiện đồng bộ 3 đầu mối giao thông quan trọng của thành phố (Cảng Hàng không quốc tế, Ga đường sắt và Cảng nước sâu). Tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng lượng khách ngày càng tăng nhanh. Đẩy nhanh dự án di dời Ga Đà Nẵng, cùng hệ thống hạ tầng liên quan lên vị trí mới để thuận lợi hơn cho giao thông qua lại và lưu thông hàng hóa. Triển khai xây dựng Cảng biển Liên Chiểu để giảm tải cho Cảng Tiên Sa, giúp kết nối tuyến vận tải hàng hóa hiệu quả hơn. Tập trung phát triển các loại hình vận tải, dịch vụ cảng- logistic, phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và cả nước.

Đặc biệt, là thành phố ven biển lại nằm ở hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn nên Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng nên việc phát triển giao thông cần thích ứng với BĐKH. Cần khuyến khích các phương tiện sử dụng năng lượng mặt trời, điện; phương tiện hiện đại, ít phát thải; hoặc sử dụng nhiên liệu có thể tái tạo được. Áp dụng công nghệ mới trong công trình, trong đó có sử dụng các loại vật liệu bền vững với biến động thời tiết, chịu đựng được những khắc nghiệt do thiên tai gây ra. Sử dụng vật liệu xây dựng có khả năng tái chế hoặc không cạn kiệt. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch khảo sát, nghiên cứu thiết kế, bổ sung và xây dựng những công trình nhằm kiên cố hóa toàn bộ các điểm có nguy cơ xói lở, suy trượt trên các tuyến đường; xây dựng bản đồ GIS tích hợp ứng phó với BĐKH nước biển dâng cho hạ tầng giao thông đường bộ, đánh giá dự báo ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dang đối với hạ tầng và vận tải đường bộ theo kịch bản do Cơ quan chuyên môn công bố.

Bài & ảnh:Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới cho phát triển giao thông đô thị TP. Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO