Hướng dẫn dân lập hồ sơ kiện DN gây ô nhiễm làm cá chết

01/01/2016 00:00

Sáng 31-12, tại UBND xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý (thuộc Sở Tư pháp) tổ chức buổi...

 

Sau 2 lần đối thoại giữa UBND tỉnh BR-VT với các DN chế biến hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) để bồi thường thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và không thành công, sáng 31-12, tại UBND xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Sở NN-PTNT phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý (thuộc  Sở Tư pháp) tổ chức buổi gặp gỡ với các hộ dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên sông Chà Và để hỗ trợ thủ tục pháp lý kiện các DN chế biến hải sản ra tòa.

TỶ LỆ GÂY Ô NHIỄM 76,64%

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc cá chết hàng loạt trên sông Chà Và trong tháng 9-2015, UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT thống kê thiệt hại, Sở TN-MT tiến hành thanh kiểm tra để xác định nguyên nhân xảy ra cá chết. Theo kết luận của Viện Môi trường Tài nguyên, có 4 nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chà Và, đó là: do nước thải từ khu vực Cống số 6 (vị trí 14 cơ sở sản xuất hải sản xả nước thải trực tiếp ra sông); do chính hoạt động từ việc nuôi lồng bè; do xả thải từ các ao, đầm nuôi thủy sản trên lưu vực và do nước xả thải sinh hoạt từ khu vực xã Long Sơn.

Trong đó, Viện Môi trường Tài nguyên đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt vào tháng 9-2015 là do 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải xả thải ra Cống số 6 với tỷ lệ gây ô nhiễm 76,64%. Đây là cơ sở để tính toán việc bồi thường cho người dân. Theo thống kê của Sở NN-PTNN, qua 4 đợt cá chết, người nuôi thủy sản trên sông Chà Và bị thiệt hại hơn 18,1 tỷ đồng. Dựa trên cơ sở tính toán về tỷ lệ gây ô môi trường của 14 DN chế biến hải sản của Viện Môi trường Tài nguyên, Sở NN-PTNT đề nghị các DN phải bồi thường 13,8 tỷ đồng, với phương án bồi thường được chia làm 3 đợt. Tuy nhiên, qua 2 lần đối thoại với DN, việc thỏa thuận để đền bù cho người dân chưa được giải quyết. Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn trình tự thủ tục cho người dân để kiện các DN ra tòa.

Hộ nuôi Tào Thúy Liễu (đứng) cho rằng, cá chết đã làm cho các hộ nuôi nợ nần, phá sản, các DN gây ra tình trạng trên phải có trách nhiệm bồi thường.
Hộ nuôi Tào Thúy Liễu (đứng) cho rằng, cá chết đã làm cho các hộ nuôi nợ nần, phá sản, các DN gây ra tình trạng trên phải có trách nhiệm bồi thường.

Tại buổi gặp gỡ với người dân, Trung tâm hỗ trợ pháp lý đã hướng dẫn quy trình thủ tục, trình tự pháp lý, chuẩn bị hồ sơ, thu thập chứng cứ… để khởi kiện. Các chủ hộ nuôi cá lồng bè đã cử ra 4 người đại diện làm việc với Trung tâm hỗ trợ pháp lý để tìm hiểu quy trình, thủ tục, các loại hồ sơ giấy tờ để về hướng dẫn lại cho các hộ nuôi khác. Bà Tào Thúy Liễu, thôn 7, xã Long Sơn cho biết thêm “14 DN chế biến hải sản gây ô nhiễm nguồn nước sông Chà Và dẫn đến cá chết phải có trách nhiệm bồi thường cho dân. Cá chết người nuôi cũng chết vì nợ nần, thật không công bằng khi các DN đẩy chúng tôi đến hoàn cảnh này mà họ chối bỏ trách nhiệm không bồi thường. Chúng tôi quyết tâm khởi kiện để đòi các DN phải bồi thường”. Bà Huỳnh Thị Dễ, thôn 5, xã Long Sơn cho biết: “Tôi thiệt hại từ năm 2013, 2014 bây giờ cũng muốn khởi kiện để đòi lại công bằng…Vì các đợt cá chết, tôi phải lâm vào cảnh nợ nần, phá sản phải bán bè để trả nợ, nay vẫn còn nợ ngân hàng 400 triệu đồng”.

Luật sư Vũ Anh Thao, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh (đứng) cho rằng, người nuôi khởi kiện phải là chủ nuôi hợp pháp, có đăng ký hoạt động và các chứng cứ thiệt hại phải có chứng từ hợp pháp.
Luật sư Vũ Anh Thao, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh (đứng) cho rằng, người nuôi khởi kiện phải là chủ nuôi hợp pháp, có đăng ký hoạt động và các chứng cứ thiệt hại phải có chứng từ hợp pháp.

Ngoài 35 hộ dân bị thiệt hại trong vụ cá chết vào tháng 9-2015, còn có nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và bị thiệt hại những năm trước đây cũng muốn kiện các DN.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ khởi kiện là bà con nuôi cá phải đóng trước tiền án phí theo mức 5% tổng giá trị bồi thường, khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn:“Nếu giờ mà kêu nộp 10 đến 20 triệu đồng tiền án phí thì làm sao mà có, cũng nhờ Nhà nước hỗ trợ người dân phần này vì các hộ nuôi đã bị thiệt hại quá lớn”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ hộ nuôi cá lồng bè tại xã Long Sơn nói.

Luật sư Lê Biên Phòng, cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Sở Tư pháp (giữa) hướng dẫn đại diện các hộ nuôi về thủ tục pháp lý cần thiết khi khởi kiện các DN chế biến hải sản ở Tân Hải.

Các hộ dân nhận giấy tờ kê khai thiệt hại.

 

Luật sư Lê Biên Phòng, cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Sở Tư pháp (giữa) hướng dẫn đại diện các hộ nuôi về thủ tục pháp lý cần thiết khi khởi kiện các DN chế biến hải sản ở Tân Hải.
Luật sư Lê Biên Phòng, cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Sở Tư pháp (giữa) hướng dẫn đại diện các hộ nuôi về thủ tục pháp lý cần thiết khi khởi kiện các DN chế biến hải sản ở Tân Hải.

XÚC TIẾN CÁC THỦ TỤC PHÁP LÝ

Có thể nói, việc hướng dẫn để các hộ nuôi cá lồng bè tiến hành các thủ tục khởi kiện là việc làm hết sức ý nghĩa thể hiện sự chung sức chung lòng của chính quyền với người dân trong việc xử lý các vấn đề môi trường. Về phía địa phương, ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, khẳng định: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng bà con để hỗ trợ chứng thực cam kết thỏa thuận trong mua bán thức ăn con giống, bên cạnh đó chúng tôi sẽ liên hệ với trung tâm trợ giúp pháp lý làm thế nào đó để hỗ trợ người dân có đầy đủ cơ sở pháp lý để gửi đến tòa”.

Trên cơ sở phân tích của các luật sư, hiện nay người dân đã có căn cứ pháp lý dựa trên kết quả điều tra của Viện Môi trường - Tài nguyên, việc khởi kiện sẽ rất khả quan nếu người dân thu thập đầy đủ thông tin về mức độ thiệt hại trong đợt cá chết vừa rồi. Luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, cộng tác viên trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp, cho biết: “Người nuôi cần phải chứng minh là người nuôi hợp pháp tức là có đăng ký hoạt động; phải chứng minh thiệt hại bằng chứng từ hợp pháp”.

Luật sư Lê Biên Phòng, cộng tác viên trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp nói: “Chúng tôi sẽ tiếp cận hồ sơ thực tế của từng bà con, hướng dẫn làm thủ tục khởi kiện, bổ sung các chứng về bị thiệt hại. Trong vụ kiện này, chúng tôi nghĩ phần thắng sẽ thuộc về các hộ nuôi vì đã có căn cứ xác định nguyên nhân cá chết và thiệt hại cũng đã thấy rõ. Tuy nhiên, người dân được bồi thường bao nhiêu thì còn phải chờ kết quả của phiên tòa”.

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn dân lập hồ sơ kiện DN gây ô nhiễm làm cá chết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO