Đầu tháng 6/2018, khi mùa mưa bão đã đến thì vẫn còn hàng loạt bãi VLXD chất cao như núi, vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ. Chúng vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức các cơ quan chức năng, gây bất bình trong dư luận.
Đi thực tế hiện trường dọc tuyến đê sông Hồng, sông Luộc (trong ngày 31/5/2018) thuộc địa phận các huyện Kim Động, TP Hưng Yên và huyện Tiên Lữ, Phóng viên Báo TN&MT không khó để quan sát tất thảy những hoạt động khai thác, tập kết VLXD trái pháp luật của nhiều cá nhân, đơn vị. Khu vực thuộc xã Phú Thịnh (huyện Kim Động) xuất hiện nhiều bãi cát lớn, có độ cao hàng chục mét, sừng sững không khác gì một dãy núi. Những hiện tượng này cũng xuất hiện tương tự khi chúng tôi di chuyển dọc bờ sông về phía TP Hưng Yên và huyện Tiên Lữ. Cá biệt, tại các vị trí bãi ven sông, sát mép nước sông Hồng (thuộc phường Minh Khai - TP Hưng Yên) xuất hiện 02 “núi” cát sừng sững cao ngút tầm mắt, từ rất xa cũng dễ dàng quan sát rõ, khiến nhiều người phải “sững sờ” bởi độ “hoành tráng” của chúng. Có một điều kỳ lạ là dường như càng gần đến mùa mưa bão, các bãi chứa, tập kết VLXD này lại đang có dấu hiệu “to dần đều”, và đây thực sự là mối nguy hiểm khôn lường khi mùa mưa bão đến. Chúng sẽ là những vật cản khổng lồ ngăn dòng thoát lũ và tạo ra những vùng soáy rộng lớn uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn của thân đê.
Mới đây nhất, ngày 19/5/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản số 1112/QĐ-UBND, quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, thuế, sử dụng đất đai, khai thác cát, kinh doanh bến bãi VLXD đối với các tổ chức cá nhân đang hoạt động khai thác cát, kinh doanh bến, bãi chứa VLXD trên địa bàn tỉnh (thời hạn là 45 ngày). Và ngày 08/5/2018, UBND huyện Tiên Lữ cũng có văn bản số 110/TB-UBND yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm hành lang bảo vệ đê điều; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm bến bãi tập kết, chứa vật liệu không nằm trong quy hoạch và yêu cầu tự giải tỏa xong trước ngày 31/5/2018. Đối với các bến bãi có trong quy hoạch nhưng chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cấp phép và yêu cầu các chủ bến bãi kinh doanh tạm dừng hoạt động.
Làm việc với chúng tôi, ông Lê Hồng Hải (chủ tịch UBND phường Minh Khai) – đây là nơi tập kết của 02 bãi cát khổng lồ cao ngút tầm mắt, nằm ngay vùng quy định an toàn lũ... Thật bất ngờ khi được biết, cả 02 bãi cát “khủng” này đều không có giấy phép và chúng đã tồn tại nhiều năm nay.
Tại báo cáo số 66/BC – UBND gửi UBND Thành phố Hưng Yên việc chấp hành pháp luật đầu tư, xây dựng, thuế, sử dụng đất đai, khai thác cát, kinh doanh bến, bãi chứa vật liệu xây dựng, ngày 05/6/2018 của UBND phường Minh Khai cũng nêu rõ: Từ năm 2015 đến nay, chưa có cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật đầu tư, xây dựng, thuế, sử dụng đất đai, khai thác cát, kinh doanh bến, bãi chứa VLXD. Đây cũng là nơi thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, để rơi vãi vật liệu trên đường gây mất an toàn giao thông, bụi bẩn ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, từ năm 2015 đến 2017 cũng nộp thuế. Hai hộ kinh doannh, tập kết cát trái phép là ông Phan Văn Hòa và Lê Văn Sơn, cùng có hộ khẩu tại phường Minh Khai, TP. Hưng Yên. Sai phạm đã “rõ như ban ngày”, nhưng UBND phường sở tại chưa một lần lập biên bản xử phạt và để 02 cơ sở này hoạt động công khai nhiều năm nay, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, liệu có gì “khuất tất” đằng sau?.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần khẩn trương vào cuộc, giải phóng vùng an toàn lũ, xử lý tất cả các trường hợp vẫn đang tập kết vật liệu xây dựng tác động, gây ảnh hưởng dòng thoát lũ trên địa bàn.