Hung thủ vụ “truy sát cán bộ” ở Thái Bình đã chết, liệu có cần kiểm tra dự án thu hồi đất?

13/09/2013 00:00

(TN&MT) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình này đã quyết định đình chỉ truy nã, đình chỉ khởi tố bị can là Đặng Ngọc Viết.

(TN&MT) - Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Vương, Phó Chánh văn phòng Công an tỉnh Thái Bình cho biết: “Sau khi xem xét các bằng chứng, nhân chứng, vật chứng cũng như xác minh động cơ gây án, hung thủ giết người, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình này đã quyết định đình chỉ truy nã, đình chỉ khởi tố bị can là Đặng Ngọc Viết (42 tuổi) có đăng ký thường trú tại số nhà 11, ngõ 345, tổ 48, P.Kỳ Bá, TP.Thái Bình.
   
  Lý do đình chỉ khởi tố bị can đối với Đặng Ngọc Viết là do đối tượng này đã tự sát bằng súng, viên đạn xuyên tim nên đã chết”. Cũng theo như báo cáo vụ án: vào khoảng 14 giờ chiều ngày 11-9, hung thủ Đặng Ngọc Viết lẳng lặng đi vào trụ sở UBND TP.Thái Bình có địa chỉ ở số 71 phố Trần Phú. Sau khi xác định được người “cần tìm”, Viết đã rút súng bắn thẳng vào đầu các cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Bình rồi đào tẩu khỏi hiện trường trốn thoát. Sau đó tìm thấy Viết khi hung thủ này đã chết do tự sát bằng súng.
   
Hiện trường hung thủ tự sát
    
   
  Khai báo với các cơ quan chức năng, bà Lê Thị Tám, một phật tử sống tại chùa Đông Sơn, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, là người đầu tiên phát hiện ra Đặng Ngọc Viết tự sát cho biết: “Khoảng 15h ngày 11/9, có một người đàn ông đi xe máy tới chùa xin vào chơi, qua nói chuyện, mọi người được biết anh này tên là Viết, dân gốc ở làng này”. Trong lúc ngồi uống nước, Đặng Ngọc Viết kể lại với những người phật tử về việc bất mãn trong việc đền bù đất với gia đình mình. Đến khoảng 18h, Đặng Ngọc Viết ăn một bát cơm chay do nhà chùa nấu. Ăn xong, Viết không chịu về và vẫn ngồi nán lại. Đến lúc trời nhá nhem tối, Viết đi ra phía lầu Quan Âm Phật Bà và ngồi im lặng tại đó. Đến 19h, mọi người nghe thấy hai tiếng nổ lớn ở phía lầu Quan Âm nên chạy ra. Ông Phạm Công Uynh (76 tuổi) là Hội trưởng Hội Phật tử cũng nghe tiếng vội lấy đèn pin ra soi thì thấy Đặng Ngọc Viết đã nằm dưới chân tượng Quan Âm. Ông Uynh và bà Tám hoảng quá vội cấp báo lên công an xã. Khi công an tới, Viết đã tử vong ở ngực có vết thương khá lớn. Tin tức tiếp tục được báo lên Công an huyện và tỉnh Thái Bình. Sau đó, lực lượng công an về đây bao vây hiện trường. Nhiều phương án được đưa ra nhằm truy tìm khầu súng gây án, sau đó đã cho người dùng cục nam châm to, dòng dây xuống nước để mò và phát hiện khẩu súng tang vật chìm dưới ao. Còn ni trưởng Thích Đàm Hương, Trụ trì chùa Đông Sơn cho biết: “Hôm xảy ra sự việc, tôi phải đi học về Phật giáo nên không hay biết, cho đến sáng ngày 12/9 về đến chùa mới được nghe các Phật tử kể lại.
   
Một nạn nhân trong vụ truy sát
    
   
  Với lý do hung thủ đã chết nên Cơ quan CSĐT Công an Thái Bình đã quyết định đình nã, đình chỉ khởi tố bị can là do người bị truy nã, đồng thời là bị can duy nhất trong vụ án. Trước đó, lúc 16 giờ ngày 11./, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án “giết  người” và ra quyết định truy nã đối với Đặng Ngọc Viết.
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Anh – Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết: Đặng Ngọc Viết là người không có tiền án tiền sự. Trước đây, Viết từng đi Cộng hòa liên bang Nga theo diện xuất khẩu lao động, có một vợ, hai con. Con gái lớn 18 tuổi, con trai 10 tuổi, nhưng cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Cách đây 2 năm, Viết về nước một mình và làm thủ tục ly hôn với vợ. Ba anh em ruột là Đặng Ngọc Viết, Đặng Ngọc Vinh, Đặng Ngọc Quang cùng ở chung một khu nhà với nhau. Đáng thương là anh Đặng Ngọc Quang bị bệnh tâm thần nhẹ, thỉnh thoảng được đưa đi điều trị ở bệnh viện tâm thần gần cầu Cất. Ông Anh cũng nhận định, nhiều tiếp xúc nhiều lần với Viết trong các lần mời lên UBND Phường họp về công tác đền bù GPMB ông thấy Viết là người ăn nói cộc cằn, hay văng tục, chửi thề. Viết cũng chưa bao giờ vướng phải vòng lao lý hay là nghiện hút gì cả. Có thể do bực tức về tiền đền bù giải phóng mặt bằng nên Viết sinh ra thù hằn cán bộ, ông Anh chia sẻ.
   
Nhiều người dân Thái Bình vẫn còn bàng hoàng
    
   
  Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, theo quy hoạch của địa phương, khu tái định cư được xây dựng có diện tích khoảng 9ha, nằm giáp ranh giữa hai phường Kỳ Bá và phường Trần Lãm của thành phố Thái Bình. Diện tích đất thu hồi của phường Kỳ Bá là 3ha. Đất nông nghiệp sẽ là diện tích chủ yếu trong quy hoạch xây dựng khu tái định cư này. Đất của gia đình Viết cũng nằm trong quy hoạch, nhưng để  làm đường dẫn vào khu dự án này. Theo phương án đền bù, gia đình anh Viết có hai lựa chọn, nếu thực hiện giải phóng mặt bằng 100% với diện tích 200m2 thì gia đình Viết sẽ được hưởng chế độ tái định cư. Gia đình Viết không nhận nhà trong khu tái định cư mà tự đi tìm chỗ ở khác và nhận số tiền đền bù 504 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, diện tích đất còn lại của anh Viết còn khoảng 34m2. Sau đó, Đặng Ngọc Viết nhận tiền đền bù 504 triệu đồng và bắt xe đi vào miền Nam chơi một thời gian. Mới trở về được 1 thời gian thì Đặng Ngọc Viết “nghĩ quẩn” và gây nên chuyện đáng tiếc.
   
  Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm tra lại việc thu hồi đất của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đặc biệt là việc triển khai một số dự án tái định cư. Đã có một số nơi lấy danh nghĩa “tái định cư” nhưng là chia đất kiếm lợi nhuận. Ở dự án đất tái định cư mà UBND TP Thái Bình đang triển khai cũng vậy, cần thanh kiểm tra làm rõ dự án này xem có khuất tất gì không, đơn giá bồi thường đã hợp lý chưa…? -  Luật sư Thanh nhấn mạnh.
   
  Bài & ảnh: Hà Thúy
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hung thủ vụ “truy sát cán bộ” ở Thái Bình đã chết, liệu có cần kiểm tra dự án thu hồi đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO