Rạng sáng 6/7 (nhằm 23/5 AL), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành tổ chức lễ tế âm hồn nhằm tưởng niệm 133 năm ngày thất thủ Kinh đô (1885-2018) tại di tích lịch sử văn hóa đàn Âm hồn (phường Thuận Hòa, TP. Huế).
Đàn Âm hồn là một trong ba công trình phục vụ tế lễ do nhà Nguyễn lập ra: Đàn Nam giao để tế trời, Đàn Xã tắc để tế đất và Đàn Âm hồn để tế vong hồn những người ngã xuống trong ngày Kinh đô thất thủ.
Dưới triều vua Thành Thái, Đàn Âm hồn được Bộ Lễ lập nên vào năm 1894 tại một bãi đất gần cửa Nhà Đồ- phía Nam TP. Huế; rộng khoảng 1.400 mét vuông và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Lễ tế do ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì; với những vật phẩm gồm tam sanh (trâu, bò, dê), nhang đèn, trái cây, hột nổ, giấy tiền, vàng, bạc, khoai, đậu, sắn, mít, cháo thánh, cơm vắt, nồi nước chè dành cho cô hồn chết khát, áo binh và một đống lửa dành cho cô hồn bị chết lạnh dưới ao hói sông hồ.
Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, lễ tế âm hồn có lịch sử lâu đời và là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sau khi di tích đàn Âm Hồn được tỉnh công nhận và chuyển giao cho Trung tâm quản lý, đơn vị đã nỗ lực giải tỏa dân cư, khôi phục không gian cũ của di tích, kết hợp nghiên cứu tư liệu và thăm dò để xác định dấu vết đàn tế.
“Trong Châu bản có ghi rõ giờ tế là đầu khắc canh 5. Vì thế năm nay, lễ tế đàn Âm hồn được phục dựng bài bản với các nghi lễ chính theo nghi thức thời nhà Nguyễn dưới triều vua Duy Tân...”- ông Hải nói.