Huế: Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng

21/01/2019 12:07

(TN&MT) - Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái trong thời gian đến, nhất là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định…

Dịch lở mồm long móng đang xuất hiện và có nguy cơ lây lan tại Thừa Thiên Huế thời gian qua
Dịch lở mồm long móng đang xuất hiện và có nguy cơ lây lan tại Thừa Thiên Huế thời gian qua

Những ngày qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra trên đàn lợn tại trang trại của Công ty Cổ phần Thái Việt Swine Line thuộc xã Phong Hiền (huyện Phong Điền), với hơn 230 con mắc bệnh và đã được tiêu hủy.

Trong thời gian đến do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu, phát tán trong môi trường; diễn biến phức tạp của thời tiết tác động tiêu cực đến sức khỏe của đàn vật nuôi; kết hợp với các hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng gia tăng,... nên nguy cơ bệnh lở mồm long móng phát sinh và lây lan trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là rất cao.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ bùng phát bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc và tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và ngân sách của nhà nước; tổ chức và cá nhân chăn nuôi cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành thú y nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh lở mồm long móng trên gia súc; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc mắc bệnh, gia súc chết.

Chỉ đạo tăng cường giám sát chặt địa bàn trọng điểm dịch, phát hiện sớm các ổ dịch lở mồm long móng, xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp; củng cố hệ thống báo cáo dịch, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và cập nhật thường xuyên.

Tổ chức phòng bệnh chủ động bằng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc theo đúng kế hoạch đã đề ra. Rà soát và triển khai tiêm phòng bổ sung tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đặc biệt tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao như ổ dịch cũ, chợ buôn bán, điểm thu gom gia súc, cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc,… 

Tổ chức các đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đặc biệt đối với các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi bao gồm những nội dung như tiêm phòng vắc xin bắt buộc; vệ sinh tiêu độc khử trùng; vận chuyển xuất nhập động vật; giám sát dịch bệnh như theo dõi tình trạng sức khỏe, báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm định kỳ và đột xuất cho UBND cấp xã và cơ quan thú y, lấy mẫu giám sát mầm bệnh lưu hành định kỳ hàng năm.

Quản lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y…

“Phải đi đến từng nhà, từng hộ dân chăn nuôi để kiểm tra dịch bệnh. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương trong công tác phòng chống dịch, phải có báo cáo hàng tuần về tình hình dịch bệnh cho lãnh đạo tỉnh. Rà soát và triển khai tiêm phòng bổ sung tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng thấp, tập trung cho các vùng trọng điểm, gia trai, trang trại chăn nuôi lớn. Cân đối đủ nguồn vắc xin từ nay đến Tết Nguyên đán đồng thời có đề xuất với trung ương để hỗ trợ kịp thời. Các cơ quan chức năng cũng phải có những can thiệp kịp thời để có sự bình ổn giá trên thị trường, tránh thiệt hại cho ba con chăn nuôi, nhất là khi những ngày Tết đang đến gần…”- ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO