Huế giảm ô nhiễm bằng việc "Nói không với tiếng còi xe"

01/08/2017 00:00

(TN&MT) - Những đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội hay TP. HCM đang rất nan giải trong giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn. Xây dựng TP. Huế là một thành phố không có tiếng còi xe, qua đó giảm thiểu tiếng ồn đang được tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho các ban ngành tích cực triển khai thực hiện.

Tiếng ồn xuất phát từ các phương tiện giao thông luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại
Tiếng ồn xuất phát từ các phương tiện giao thông luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại

Các nghiên cứu cho thấy, tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác.

Ô nhiễm tiếng ồn từ còi xe

Vừa qua, tại buổi Tọa đàm “Doanh nghiệp vận tải với văn minh đô thị” do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các ban ngành tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường từ tiếng ồn tại TP.Huế và làm cho giao thông trở nên lộn xộn hơn đó là tiếng còi xe, tiếng động cơ rú.... Những vấn đề đó xuất phát từ cách hành xử chưa hợp lý, thiếu ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân.

TP. Huế không phải là đô thị có dân số thuộc dạng quá đông ở Việt Nam, tuy nhiên các phương tiên giao thông cá nhân như xe máy, ô tô liên tục tăng bởi nhiều lý do dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn...diễn ra thường nhật.

Dạo quanh một số tuyến đường chính trên TP. Huế, PV nhận thấy lượng còi xe phát lên khá nhiều, nhất là những giờ cao điểm; dù dừng phía trước đèn đỏ thì tiếng còi vẫn vang lên âm ĩ. Ngoài ra, tiếng nẹt bô, rú ga... khiến mùi xăng xe, mùi động cơ bốc lên đã gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Xe máy, ô tô... tại Huế ngày một tăng làm gia tăng tiếng ồn
Xe máy, ô tô... tại Huế ngày một tăng làm gia tăng tiếng ồn

Anh Trần Ngọc (phường Thuận Thành, TP. Huế) bức xúc: “Mình thấy có còi xe là tốt vì có thể bấm còi để cảnh báo nguy hiểm, nhưng hiện có rất nhiều người sử dụng còi không đúng lúc đúng chỗ, thậm chí bấm đại khiến người đi đường rất đau tai. Bản thân mình cũng đã không ít lần bị giật mình vì tiếng còi của người khác reo lên không đúng chỗ ở phía sau...”.

“Tôi nghĩ sử dụng phương tiên giao thông nói chung và sử dụng còi nói riêng cần phải có văn hóa, lịch sự, đúng mức và hợp lý, khi đó sẽ phát huy hiệu quả cao...”, một người dân Huế nói.

Ô nhiễm tiếng ồn có hại cho sức khoẻ và có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp, vì thế mà chúng ta đã thấy nhiều trường hợp cãi nhau, xích mích vì tiếng ồn, trong đó có xích mích trên đường phố vì bóp còi sai làm người khác tức tối.

Ông Võ Văn Tươi - Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, xây dựng văn hoá giao thông không chỉ ngày một ngày hai mà phải thường xuyên rèn luyện, tạo thói quen, xây dựng ý thức lâu dài cho người tham gia giao thông. Gần đây, ngành giao thông vận tải triển khai khá nhiều giải pháp để người tham gia giao thông ý thức hơn, như treo dán các khẩu hiệu tuyên truyền: “Bóp còi đúng quy định” hoặc đi ban đêm bật đèn cốt chứ không bật đèn pha... Nhưng ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa được cải thiện.

Logo với thông điệp “nói không với tiếng còi xe” đang được các ban ngành tại Huế triển khai
Logo với thông điệp “nói không với tiếng còi xe” đang được các ban ngành tại Huế triển khai

Huế - không tiếng còi xe

Để nâng cao văn hóa ứng xử trong giao thông của người dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang phối hợp với các ban ngành để xây dựng kế hoạch triển khai vận động chương trình “Huế - không tiếng còi xe”. Chương trình đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý.

Theo đó, cuộc vận động nhằm kêu gọi các đơn vị vận tải, đơn vị quảng cáo và đơn vị truyền thông hãy cùng có những hành động đưa vấn đề văn minh vào ứng xử trong giao thông, tìm giải pháp hạn chế tiếng còi xe trên địa bàn TP.Huế.

Trao đổi với PV, ông Phan Thiên Định - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện kế hoạch triển khai vận động chương trình đang được Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Vận tải, Tỉnh đoàn... với các nội dung chính như: vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng chương trình “Huế - không tiếng còi xe”; thiết kế và xây dựng logo, biểu tượng chương trình phục vụ truyền thông, vận động các doanh nghiệp cam kết tham gia chương trình triển khai in ấn và trang trí logo, biểu tượng chương trình trên tất cả các phương tiện tham gia giao thông thuộc cá nhân, đơn vị mình...

Theo ông Định, việc triển khai là khó khăn nhưng cũng rất khả thi. Bởi người dân Huế vốn rất tự trọng, ý thức chấp hành cao và văn hóa giao thông của người Huế khá tốt so với nhiều nơi khác. Vì thế phải bắt đầu từ bây giờ, khi nó chưa rơi vào hỗn loạn, mất kiểm soát.

Logo được dáng ở các phương tiện để hướng ửng cuộc vận động
Logo được dáng ở các phương tiện để hướng ửng cuộc vận động

“6 tháng qua tôi đã thử lái xe với thói quen không bóp còi và thấy thật sự mình đổi khác. Tất nhiên, thỉnh thoảng cũng có bóp còi trong trường hợp thật sự cần thiết. Tôi lái chậm hơn, cẩn thận hơn, biết nhường nhịn đường hơn, đi đúng đường hơn, mỗi lần lỡ đà theo thói quen cũ cắt đường của ai đó lại thấy mình có lỗi. Nói chung là tự thấy mình tiến bộ hơn nhiều trong cả tâm tính và văn mình giao thông...”- ông Định chia sẻ.

Để cuộc vận động đạt hiệu quả tốt thì cần thời gian lâu dài và có sự hưởng ứng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân.

Nếu Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam không có tiếng còi xe thì đó sẽ là một sự độc đáo, góp phần đưa Huế trở thành đô thị du lịch văn minh xanh sạch, yên bình, an toàn, thân thiện, văn minh. Và Huế sẽ tạo ra sự khác biệt với các đô thị khác trong nước để quảng bá hình ảnh, nhằm thu hút du khách, nhà đầu tư; kích thích kinh tế phát triển, và từ đó đem lại lợi ích kinh tế và cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Bài & ảnh: Thế Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế giảm ô nhiễm bằng việc "Nói không với tiếng còi xe"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO