Huế: Đi thăm “lão mai” và nghe câu chuyện đời người

30/01/2018 19:10

(TN&MT) - Tính đến nay, “lão mai” đã trải qua hơn thế kỷ, vậy mà đúng độ Tết đến Xuân về “lão” vẫn cho hoa vàng sum suê đều đặn hàng năm. Hơn thế “lão” còn là...

(TN&MT) - Tính đến nay, “lão mai” đã trải qua hơn thế kỷ, vậy mà đúng độ Tết đến Xuân về “lão” vẫn cho hoa vàng sum suê đều đặn hàng năm. Hơn thế “lão” còn là câu chuyện của cuộc đời, của tình người...
Huế: Đi thăm “lão mai” và nghe câu chuyện đời người
“Lão mai” trăm tuổi nở hoa rất đúng Tết, từ người già đến trẻ nhỏ đều thích
“Lão mai”… lực sỹ!
Theo lời giới thiệu của ông Trần Dũng, chủ Mai Viên nổi tiếng về “lão mai nhất nhì xứ Huế”, tôi ghé thăm “lão” tại nhà ông Huỳnh Tấn Hùng, số 176 đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP. Huế. Trong khi một số phần lớn hoàng mai xứ Huế đều đã nở sau khi bị các đợt mưa gió bất thường cuối năm, thì “lão mai” này đã khoe sắc đến mấy chùm hoa. Thuộc họ hoàng mai giống "xịn" đặc trưng của xứ Huế, hoa năm cánh, cánh lớn, vàng tươi, hương thơm nhẹ mà lay động lòng người.
 
Phần gốc “lão mai” có đường kính hơn 20cm, cao gần 2m, được uốn theo thế rồng uốn vươn thẳng lên cao, quanh thân chính là nhiều tán lá đều đặn, cũng vươn lên. Phần thân sần sùi già cỗi, gồm từng khối u lên như từng cơ bắp cuồn cuộn, khoẻ khoắn như thân hình vạm vỡ của một tay lực sỹ đầy sức sống. Hàng vạn búp lớn đều quanh thân hứa hẹn hàng vạn bông hoa đồng loạt nở rộ vào ngày đầu năm.
 
“Lão mai” có nguồn gốc từ làng Thế Chí Đông vùng Ngũ Điền, bên kia phá Tam Giang thuộc xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dù là đất cát pha nghèo dưỡng chất nhưng vùng Ngũ Điền này lại rất nổi tiếng với nghề trồng mai cảnh truyền thống, từ hàng trăm năm truyền lại đến nay. Bằng bàn tay khéo léo, cần mẫn của những người nông dân nơi đây cộng với chất đất, nguồn nước đã biến vùng đất này trở thành “vựa” cung cấp mai cảnh chủ yếu cho kinh đô một thời...
 
Không biết đích xác “lão mai” đến nay đã bao nhiêu tuổi nhưng theo lời kể của ông Hoàng Tấn Hùng, “lão mai” đã “sống” một thế kỷ vì đã lớn ở trong chậu ngay từ khi cụ Hoàng Đức Đoan - làng Thế Chí Đông, chủ nhân trước, khi mới sinh ở những năm đầu thế kỷ 20. Mai được cụ Đoan chăm sóc, nuôi dưỡng và uốn thế "trực" (vươn lên) theo ý thích. “Lão mai” gắn với cuộc đời cụ cho đến khi được đeo tang cụ vào năm 1976.
 
Không những đời người cha, mà “lão mai” còn gắn liền với cuộc đời người con Hoàng Đức Lâu ngay từ khi sinh ra cho đến khi trở thành ông giáo trường làng, thành bố, thành ông. “Lão mai” đã chứng kiến biết bao nhiêu chuyện buồn vui của gia đình... 
 
… và câu chuyện đời người...
 
Năm 1994, ông Huỳnh Tấn Hùng đã mua lại “lão mai” này từ ông Hoàng Đức Lâu với giá 1 lượng vàng. Ở cùng thời điểm giá trị 1 lượng vàng có thể đổi được một khu vườn rộng xứ quê, vậy mà ông Lâu cứ chần chừ mãi. Chuyện là vào những năm 1990, người mẹ - cụ bà Nguyễn Thị Dồng tuổi đã ngoài 80 gần đất xa trời, cứ trăn trở mãi không lo được chuyện mộ phần của người chồng đang nằm nơi cồn cát, trong khi con cháu vẫn cuộc sống đạm bạc.
 
Nhìn quanh nhà không thấy còn gì khác có giá trị, cụ bèn bảo con trai gọi người bán cây mai lấy tiền xây lăng mộ cho người chồng. Biết tiếng, nhiều lái buôn từ hai miền Nam, Bắc đến hỏi mua, nhưng ông Lâu cứ lần lữa mãi, không muốn rời xa kỷ niệm thân thiết còn lại của người bố.
 
Cho đến khi ông Hùng - một người Huế được giới thiệu về mua, suy tính vẫn xây được lăng mộ cha theo thoả ước của người mẹ, vừa còn có thể ghé Huế thăm mai khi nhớ đến cha mình... ông chấp nhận “chuyển” mai trong sự tiếc nuối. Ngày tiễn “lão mai”, cả nhà không ai cầm được nước mắt, vì sự ra đi như của một người thân, của một thành viên đích thực của gia đình. “Lão mai” được đưa lên một chiếc thuyền lớn cùng chục người “tháp tùng”, xuôi theo phá Tam Giang đến cửa biển Thuận An, ngược dòng sông Hương đến xứ cố đô Huế.
 
Nhiều năm sau này, “lão mai” của ông Hùng được giới buôn mai biết tiếng, trả giá rất cao, lên đến mấy trăm triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán. Mai về với gia đình, ông như có thêm một người bạn già. Mỗi buổi sớm ra thăm, ông như cảm nhận được từ cây về một điều gì đó sau một đêm yên giấc... Sừng sững giữa sân nhà, ngay bên lối vào, kẻ trẻ người già vẫn thường “bẩm cụ!” như xin phép trước khi ra vào nhà - “lão mai” trở thành một nhân chứng sống.
 
Hơn hết cả là “lão mai” đã cho tôi thêm người bạn quý! - ông Hùng cho biết. Chuyện là từ sau khi bán mai, thầy Lâu nhiều lần lặn lội đạp xe ngược phố để ghé thăm cây. Có năm thầy ghé nhiều lần, mỗi lần ghé lại là hai người suốt buổi uống trà chuyện trò về “lão mai”, về hoa, chuyện chăm sóc tưới tắm, chuyện sang đất cho cây khó khăn như thế nào... Lẫn trong câu chuyện ấy có nhiều mẫu chuyện đời của người trồng trước - người bố Hoàng Đức Đoan - người đã tạo nên dáng vẻ “lão mai” ngày hôm nay. Những câu chuyện về nhân tình thế thái từ đó cũng nối đuôi nhau. “Lão mai” đã biến hai con người cách xa nhau trở thành hai người bạn tri kỷ...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Đi thăm “lão mai” và nghe câu chuyện đời người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO