Hợp tác vì một tương lai bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long

02/02/2015 00:00

(TN&MT) - Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức ngày 2/2...

   
(TN&MT) - Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức ngày 2/2 tại TP.HCM.
   
 Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc
   
  Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đánh giá cao việc Ngân hàng thế giới, Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Australia và các đối tác phát triển khác đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo về Đồng bằng sông Cửu Long tiếp sau thành công của Hội nghị bàn tròn cấp cao về Phối hợp hỗ trợ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 và Hội nghị cấp cao về phối hợp phát triển tổng hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 tại Hà Nội. Điều này không chỉ khẳng định ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn này mà còn thể hiện sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vùng này và cho thấy tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác phát triển trên nhiều lĩnh vực thông qua các kênh khác nhau.
   
  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các nỗ lực của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã được sự ghi nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đánh giá cao việc Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện Nghiên cứu Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cùng với các khuyến nghị là cơ sở để Việt Nam xem xét rà soát, điều chỉnh định hướng, kế hoạch phát triển bền vững của khu vực có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng này. Trên thực tế, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long đang được bổ sung, điều chỉnh theo định hướng cơ bản của Nghiên cứu này”.
   
  “Về phía Việt Nam, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, 13 địa phương trong vùng đã hoàn thành việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng lĩnh vực, từng khu vực trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn; ban hành được Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của từng địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về biến đổi khí hậu trong đó có 17 dự án thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong số đó có 8 dự án của vùng liên quan đến xây dựng, nâng cấp đê sông, đê biển, hệ thống ngăn mặn đang được triển khai thực hiện. Đồng thời, một trong những giải pháp mang tính bền vững, đa mục tiêu, được các cơ quan Trung ương và cộng đồng quốc tế đánh giá cao là việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO­­2, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa đang tích cực được triển khai” - Phó Thủ tướng cho hay.
   
  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, có thể nói chưa bao giờ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các áp lực ngày càng lớn của sự phát triển kinh tế xã hội còn chưa thực sự bền vững. Việc quy hoạch tổng thể vùng gắn với yếu tố biến đổi khí hậu chưa được đề cập đúng mức; nhận thức về biến đổi khí hậu còn hạn chế; nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu; các dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính liên vùng, liên ngành và dài hạn, nhất là đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
   
  Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lưu ý rằng, tương lai là không chắc chắn. Chính vì thế, chúng ta không thể có một tầm nhìn “cứng” cho khu vực này khi mà các yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh đang tương tác, tác động lẫn nhau và ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực đồng bằng và không thể tách rời khỏi sự phát triển của khu vực. Chính vì thế, chúng ta cũng cần phải xây dựng một lộ trình, trong đó có các kịch bản khác nhau, về đường lối phát triển cho khu vực này, kết hợp với các kịch bản phát triển khác như phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển thượng nguồn,… để chúng ta có thể lựa chọn đường lối phát triển tốt nhất cho khu vực này.
   
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ khai mạc
    
   
  “Như  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo một số hoạt động trọng tâm mang tính đồng bộ, liên vùng, dài hạn và bền vững nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển thịnh vượng của vùng như: dự báo, cảnh báo thiên tai, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm, khả năng sụt lún, giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thực hiện các giải pháp công trình và các giải pháp phi công trình… Xác định được vấn đề và các nhiệm vụ công việc cần phải làm đã khó nhưng xác định làm như thế nào, ai thực hiện còn khó hơn. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự tham dự của đông đảo của các đại biểu  hôm nay thể hiện sự quan tâm và nhiệt huyết vì Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ cùng nhau góp sức tìm ra lời giải vì một tương lai bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
   
  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, thời gian vừa qua, nhờ sự quan tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ, các địa phương và bà con nông dân trong vùng, với sự hỗ trợ  của cộng đồng quốc tế, nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là về sản xuất lúa gạo, cá tra, tôm và trái cây. Trong giai đoạn 2005- 2013, sản lượng lúa đã tăng lên 1,3 lần; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng gấp 2,25 lần. Nhờ vậy thu nhập và đời sống của đa số nông dân đã liên tục được cải thiện.
   
  “Tuy vậy, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe doạ nghiêm trọng sự phát triển ổn định của vùng. Trước hết nhiều vùng ven biển đang bị sạt lở nghiêm trọng, hàng năm lấy đi trên 1.000 ha diện tích đất là không gian sống và sản xuất của người dân trong vùng. Về lâu dài dự báo sẽ còn có nhiều tác động bất lợi nghiêm trọng khác ảnh hưởng tới khu vực…. Để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long phải khắc phục những thách thức và tồn tại nêu trên, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần phải nhanh chống đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong mối quan hệ chặt chẽ đa ngành. Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế hướng tới chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và bền vững trên cơ sở tiếp tục phát huy cao hơn lợi thế về sản xuất lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây (cây ăn quả có múi, xoài, nhãn…). Mặt khác, tùy theo điều kiện của từng khu vực cũng cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc , gia cầm chủ yếu là lợn, gà, vịt theo mô hình trang trại, công nghiệp và các sản phẩm đa dạng khác” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.
   
  Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư khu vực phía nam và cả nước nói chung. Với diện tích chỉ chiếm 12% tổng diện tích tích tự nhiên cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với số dân trên 17 triệu người. Nhưng khu vực này hàng năm đóng góp đến  27% GDP với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ước tính riêng ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho hơn 6 triệu dân trong vùng.
   
  Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với các thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, một quốc gia có đường bờ biển dài. Việt Nam là một trong các quốc gia đang và sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ có thể tăng khoảng 2 - 3oC, mực nước biển sẽ có thể dâng 1m. Khi đó, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển của Việt Nam sẽ bị ngập. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP.
   
Các đại biểu chủ trì Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015
    
   
  Nhận thức rõ về các thách thức này, cùng với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ luôn nêu cao quyết tâm chính trị và các ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam cho khu vực này theo định hướng tổng hợp và bền vững, hướng đến một tương lai tươi sáng cho vùng đất trù phú nhưng cũng rất dễ bị tổn thương này. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của mình, khu vực này xứng đáng nhận được sự quan tâm đó.
   
  Trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ có các Hội thảo tập trung thảo luận về tâm nhìn tổng hợp dài hạn, những bài học kinh nghiệm từ các đồng bằng trên thế giới và phát triển sinh kế bền vững thông qua quản lý thích ứng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở các khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo. Tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung thảo luận về một số hoạt động trọng tâm mang tính đồng bộ, liên vùng, dài hạn và bền vững nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển thịnh vượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
   
Bài & ảnh: Tường Tú
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác vì một tương lai bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO