Hợp tác quốc tế ngành TN&MT: Thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực

01/01/2015 00:00

(TN&MT) - Trước thềm năm mới 2015, Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Phạm Phú Bình, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT)

   
(TN&MT) - Đổi mới phương thức, chủ động hành động sẽ tạo bước chuyển cơ bản cho công tác hợp tác quốc tế ngành TN&MT từ nay đến 2020. Bước chuyển này phù hợp với xu hướng ưu tiên tài trợ hiện nay của các đối tác phát triển, đồng thời hướng tới mục tiêu thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực của thế giới hỗ trợ cho ngành. Trước thềm năm mới 2015, ông Phạm Phú Bình, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết:
   
  Kể từ năm 2009, Việt Nam chính thức vượt qua ngưỡng thu nhập thấp, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình theo cách phân loại của Ngân hàng Thế giới. Từ đó đến nay, các đối tác phát triển của Việt Nam đã dần dần điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển đối với Việt Nam theo hướng cắt giảm tỷ trọng các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, tăng tỷ trọng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Nhiều đối tác phát triển của Việt Nam, đặc biệt là các đối tác song phương sẽ hướng nhiều hơn đến các hoạt động hợp tác bên cạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển. Hình thức hợp tác đối tác sẽ trở nên phổ biến hơn, trong đó hợp tác công tư với sự tham gia của đối tác nước ngoài sẽ là một kênh quan trọng để thu hút nguồn vốn nước ngoài cho Việt Nam.
   
   
Ông Phạm Phú Bình, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế
   
  Trong bối cảnh chung này, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ TN&MT là phải đảm bảo tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút được nguồn tài trợ quý báu của các đối tác phát triển, phục vụ đầu tư tăng cường năng lực quản lý Nhà nước của ngành.
   
  Dù chuyển hướng hợp tác song các đối tác phát triển vẫn ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh TN&MT. Một số lĩnh vực tiếp tục nhận được sự ưu tiên hỗ trợ là quản lý và xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn và đa dạng sinh học, khí tượng - thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý đất đai là những vấn đề mới được quốc tế quan tâm hỗ trợ gần đây. Mặt khác, chúng ta cần huy động nguồn lực cho các lĩnh vực chưa được hỗ trợ như quản lý tổng hợp biển và hải đảo, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ.
   
PV: Bối cảnh này đã đặt ra định hướng hợp tác quốc tế của ngành TN&MT trong giai đoạn tới như thế nào, thưa ông?
   
Ông Phạm Phú Bình: Để bắt kịp xu hướng tài trợ quốc tế, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là cần có cách tiếp cận dài hạn trong việc kêu gọi và sử dụng nguồn hỗ trợ của các đối tác phát triển. Theo đó, cần coi đây là một phần trong kế hoạch phát triển tổng thể dài hạn của ngành. Từng lĩnh vực chuyên môn cũng phải xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực quốc tế, xác định rõ các ưu tiên trọng điểm.
   
  Mặt khác, toàn ngành cần ưu tiên thúc đẩy kêu gọi hỗ trợ nước ngoài cho việc tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, trong đó đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách, thiết lập các cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý chuyên ngành, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ.
   
  Ngoài ra, nên sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi cho việc thiết lập và cung cấp các dịch vụ công có thu, nhằm trực tiếp mang lại nguồn thu cho ngân sách để hoàn trả vốn vay. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đối tác nhằm trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy các hoạt động hợp tác chuyển giao, giúp thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế của ngành.
   
PV:Với những chủ trương trên, vấn đề đặt ra là công tác hợp tác quốc tế của ngành TN&MT phải đổi mới mang tính chủ động, chuẩn hóa và chuyên nghiệp. Ông có thể cho biết rõ hơn về những đổi mới này?
   
Ông Phạm Phú Bình: Để đảm bảo công tác hợp tác quốc tế có bước phát triển giai đoạn tới, tôi cho rằng, trước hết cần thiết lập một bộ máy hợp tác quốc tế chủ động, chuẩn hóa và chuyên nghiệp. 
   
  Ngay từ đầu năm 2014, được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ, bộ máy quản lý về hợp tác quốc tế tại Bộ đã được tổ chức lại theo hướng phân định nhiệm vụ theo mô hình ma trận hai chiều, với lát cắt chiều dọc là nhiệm vụ theo dõi chuyên trách từng đối tác cụ thể và chiều ngang là nhiệm vụ theo dõi tổng hợp về tình hình hợp tác quốc tế của từng đơn vị trực thuộc Bộ. Theo mô hình tổ chức này, nhiệm vụ đặt ra đối với các cán bộ theo dõi chuyên trách các đối tác là phải nắm bắt được đầy đủ và cập nhật về ưu tiên hợp tác, các hoạt động hợp tác đang được triển khai và thúc đẩy hợp tác mới với từng đối tác. Việc tổ chức lại bộ máy về hợp tác quốc tế của Bộ hứa hẹn sẽ khắc phục tình trạng “phân tán” hiện nay.
   
  Vụ Hợp tác quốc tế còn đang chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 về hợp tác quốc tế, rà soát điều chỉnh các quy chế và xây dựng các quy trình cụ thể để thực hiện các quy chế về việc quản lý dự án ODA, tổ chức và thực hiện các đoàn ra - đoàn vào, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Trong quan hệ với các đối tác quốc tế, Vụ đang phối hợp xây dựng cơ chế đối thoại chính sách về TN&MT giữa Bộ TN&MT và các đối tác, nhằm khai thác tối đa hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, hợp tác với đối tác quốc tế.
   
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
   
Tống Minh (thực hiện)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác quốc tế ngành TN&MT: Thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO