Hợp tác quốc tế hải dương học: Giải quyết vấn đề riêng – chung

06/10/2015 00:00

(TN&MT) - Hải dương học Việt Nam có thể phát triển năng lực nếu biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” là nhận định của  PGS.TS Võ Sĩ Tuấn Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam nói về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải dương học khi chúng ta đã là thành viên của Phân ban Hải dương học Liên chính phủ Khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC).

Những thách thức chung

Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC)  trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) được thành lập năm 1960, gồm 142 nước thành viên, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp trong các chương trình nghiên cứu, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển, xây dựng năng lực nhằm nâng cao chất lượng quản lý và hoạch định chính sách, khuyến khích nghiên cứu khoa học, tăng cường sự hiểu biết các vấn đề có liên quan đến tự nhiên và các tài nguyên của đại dương, thông qua các hoạt động của các thành viên. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, IOC đã thành lập Phân ban Hải dương học Liên chính phủ Khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) vào năm 1989.

Việt Nam tham gia vào tổ chức này từ năm 2001 và cho đến nay, có chung rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết đối với môi trường biển, khí tượng thủy văn biển và các vấn đề trên biển khác cùng các nước khu vực Tây Thái Bình Dương. Bởi lẽ, Tây Thái Bình Dương có tính đa dạng sinh học và năng suất cao của thế giới. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đa dạng sinh học là vấn đề nổi cộm và các nhà khoa học hải dương cần cung cấp các dẫn liệu khoa học phục vụ cho việc ngăn chặn và giảm thiểu suy thoái và định hướng sử dụng bền vững. Một trong những nội dung cần quan tâm là đánh giá hiện trạng, xu thế của tính đa dạng và năng suất sinh học trong một thế giới đang thay đổi do biến đổi khí hậu và gia tăng hoạt động của con người. Hậu quả làm thay đổi chức năng sinh thái và gây diệt chủng một số loài sinh vật.

Tăng cường sự hiểu biết các vấn đề có liên quan đến tự nhiên và tài nguyên của đại dương. Ảnh: MH
Tăng cường sự hiểu biết các vấn đề có liên quan đến tự nhiên và tài nguyên của đại dương. Ảnh: MH

 Thủy sản là nguồn tài nguyên quan trọng cho cuộc sống con người. Vấn đề làm thế nào để khai thác bền vững vừa đáp ứng nhu cầu protein mà không làm suy kiệt nguồn lợi và suy thoái các hệ sinh thái. Nuôi trồng là một giải pháp nhưng chính nó đang gặp các thách thức như hiệu quả sản giống có chất lượng, tỷ lệ sống của ấu trùng và ô nhiễm môi trường. Khoa học cần cung cấp cơ sở cho việc xây dựng được những mô hình dựa trên trí thức nhằm bảo tồn nguồn lợi và qua đo, phát triển hài hòa giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản trong mục tiêu phát triển kinh tế chung. Mặt khác, vấn đề an toàn thực phẩm trước các sinh vật có độc tố cũng cần được chú trọng, nhất là trong bối cảnh con người đang làm gia tăng sự tích lũy độc tố trong sinh vật do gây ô nhiễm môi trường biển.

Các hệ sinh thái biển ở Tây Thái Bình Dương từ ven bờ tới biển sâu đang chịu tác động của sự tăng trưởng kinh tế và bùng nổ dân số.. Hoạt động bảo tồn để duy trì sự lành mạnh của đại dương rất đa dạng về hình thức, phạm vi và một trong những giải pháp là phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt đối với rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển. Hoạt động bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đang gặp nhiều thách thức cần giải đáp bằng tri thức khoa học, không chỉ về phương diện phát triển kinh tế mà còn về tác động của biến đổi khí hậu và khả năng thích ứng của các hệ sinh thái... Giải quyết được những vấn đề chung này cũng là giải quyết được một phần lớn những thách thức về môi trường và phát triển trên vùng biển Việt Nam

Tận dụng hợp tác, mở rộng thông tin

Theo các nhà khoa học, hợp tác quốc tế về hải dương học có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học ở Việt Nam. Đã có hàng trăm Nhà Hải dương học Việt Nam trưởng thành từ các chương trình/dự án hợp tác quốc tế. Những cán bộ này không chỉ đạt được những bằng cấp nhất định mà còn là cầu nối cho các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Năng lực vừa là kết quả đồng thời là điều kiện cho hội nhập. Việt Nam chỉ thực sự hội nhập nếu có được đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, có thể chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và đóng góp trách nhiệm cho sự phát triển chung của lĩnh vực hải dương học khu vực và thế giới.

Một trong những phương thức để làm điều này là tạo điều kiện để các Nhà Hải dương học đầu ngành của khu vực và thế giới đến làm việc tại Việt Nam và qua đó, cùng họ đồng hành trong nghiên cứu phát minh khoa học và phục vụ cho mục tiêu phát triển của Việt Nam. Muốn như vậy, Việt Nam phải chủ động xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa, huy động sự tham gia của đồng nghiệp nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Cũng phải lưu ý rằng năng lực nội tại cần đạt mức độ nhất định để “không bị ngã” khi “đứng trên vai người khổng lồ”.

Để thâm nhập sâu rộng hơn vào hoạt động nghiên cứu biển với các quốc gia khác, chúng ta phải xem xét tới vấn đề cập nhật và hoàn thiện bộ dữ liệu hải dương học trên Biển Đông và cải thiện hoạt động trao đổi thông tin - dữ liệu với các đối tác quốc tế.

Về vấn đề này, theo TS. Võ Sĩ Tuấn, hiện việc trao đổi thông tin đang bị coi là vấn đề nhạy cảm, không chỉ giữa các quốc gia mà còn giữa các cơ quan trong nước. Vì vậy, một cơ chế mang tính nguyên tắc và đồng thuận cần được xây dựng và thông qua để có sự hợp tác tốt trong nước. Đối với khu vực, sử dụng thông tin chung từ quan sát đại dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho các hoạt động dự báo quy luật hải dương học, cảnh báo tai biến thiên nhiên và nghiên cứu liên kết sinh thái giữa các vùng biển. Trao đổi thông tin là việc không thể thiếu nhưng phải hiểu rằng chúng ta chỉ có thể có thông tin từ bên ngoài khi cũng sẵn lòng cung cấp thông tin của mình ra bên ngoài. Cũng phải thấy rằng, hợp tác quốc tế không thể có hiệu quả cao khi việc hợp tác giữa các cơ quan và tổ chức trong nước còn nhiều hạn chế.

Việt Nam đang trên con đường hội nhập và ngành Hải dương học của Việt Nam không thể đứng ngoài mà phải là thành phần tích cực thúc đẩy tiến trình này. Để đạt được chuyển biến mới trong hội nhập quốc tế về hải dương học, tính chủ động và trách nhiệm của các chuyên gia và cơ quan hải dương học là rất quan trọng. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi tư duy và phương thức quản lý để bảo đảm rằng chúng ta sẵn sàng tham gia cuộc chơi và tuân thủ luật chơi chung của cộng đồng hải dương học thế giới.

K.Liên 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác quốc tế hải dương học: Giải quyết vấn đề riêng – chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO