Hợp tác quốc tế: Cầu nối quản lý tài nguyên và môi trường

04/08/2017 00:00

(TN&MT) - Là một nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam không những quan tâm đến việc khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong nước, mà còn chung tay với cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề có liên quan mang tính toàn cầu. 15 năm qua Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) là cầu nối đưa Việt Nam xích gần hơn với quốc tế trong lĩnh vực TN&MT.

Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT
Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ TN&MT, ông Phạm Phú Bình (ảnh) – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Khi Việt Nam đã đạt trình độ phát triển trung bình so với cộng đồng quốc tế, nhiệm vụ ưu tiên đặt ra đối với công tác quản lý Nhà nước về TN&MT là phải đẩy mạnh hơn các hoạt động hợp tác quốc tế mang tính chất đối tác bình đẳng, thể hiện rõ hơn vai trò của chúng ta trong việc tham gia giải quyết những vấn đề liên quan mang tính khu vực và toàn cầu, chủ động hội nhập sâu và rộng hơn trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.

PV: Thưa ông, sau 15 năm thành lập và phát triển, ông có thể khái quát những mốc lớn cũng như những đóng góp của Vụ Hợp tác quốc tế vào sự nghiệp phát triển ngành TN&MT?

Ông Phạm Phú Bình: Trong những năm đầu thành lập Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ kêu gọi được nhiều khoản hỗ trợ phát triển (ODA) quý báu của một số đối tác phát triển song phương cho việc tăng cường năng lực quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT.

Sau năm 2011, khi Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình, các đối tác song phương đã bắt đầu điều chỉnh chính sách, dần cắt giảm các khoản hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ tăng cường quan hệ và huy động hỗ trợ từ các cơ chế tài chính quốc tế và các tổ chức đa phương, đồng thời, tập trung vào nhiệm vụ xây dựng các dự án có quy mô lớn để tăng cường năng lực tầm quốc gia về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT. Thực hiện định hướng mới này, Bộ TN&MT đã huy động được hỗ trợ cho một số dự án tăng cường năng lực lớn như Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ...

Cũng trong giai đoạn này, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu quan tâm đặc biệt đến hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu và các tác động tiêu cực đi kèm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam là một quốc gia nằm trong nhóm các nước sẽ phải chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu như: Thời tiết cực đoan bất thường, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển...

Đánh giá tình hình này, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu với lãnh đạo Bộ tham gia chủ động vào quá trình đàm phán quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đối khí hậu, thể hiện vai trò chủ động và các đóng góp của Việt Nam trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Thông qua đó, Bộ TN&MT đã huy động được những khoản hỗ trợ quốc tế quan trọng cho xây dựng các khung chính sách, tăng cường năng lực và thực hiện một số giải pháp cho việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Có thể kể đến sáng kiến về Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2011 - 2015 huy động vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để hỗ trợ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-CC); hay Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu và Sinh kế bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng vốn vay ODA do WB tài trợ.

Từ sau năm 2017, các đối tác phát triển tiếp tục điều chỉnh chính sách, cắt giảm và loại bỏ chính sách hỗ trợ phát triển ưu đãi, chuyển Việt Nam sang nhóm các nước chỉ còn được ưu tiên hỗ trợ theo hình thức vốn vay ưu đãi. Đây là một trong những thách thức và khó khăn đối với Việt Nam khi mới chỉ là nước có mức thu nhập trung bình thấp, chưa thực sự đủ nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực TN&MT vốn thường khó có dự án đầu tư sinh lời để tự trang trải hoàn trả vốn vay.

Vụ Hợp tác quốc tế hiện đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ thúc đẩy các hoạt động hợp tác đối tác để trao đổi, học hỏi các kinh nghiệm quốc tế về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT từ các nước phát triển, thông qua cơ chế cùng đóng góp nguồn lực để thực hiện các hoạt động hợp tác.

Ngoài ra, Vụ Hợp tác quốc tế  đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ để đề xuất và thực hiện các hoạt động hợp tác chuyển giao, với mục tiêu chia sẻ các kinh nghiệm đã được tích lũy cho một số đối tác song phương khác có nhu cầu tiếp nhận từ Việt Nam.

Như vậy, qua 15 năm thành lập, Bộ TN&MT đã chuyển mình từ chủ yếu hợp tác tiếp nhận, sang hợp tác đối tác và tiến tới hợp tác chuyển giao, thể hiện sự lớn mạnh và trưởng thành rõ rệt của ngành TN&MT Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc và ông Jochem Lange, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam ký Thỏa thuận thực hiện và khởi động dự án về BĐKH
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc và ông Jochem Lange, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam ký Thỏa thuận thực hiện và khởi động dự án về BĐKH

PV: Song hành với những dấu mốc lớn của Bộ TN&MT, ông có thể cho biết "kim chỉ nam" xuyên suốt của hợp tác quốc tế 15 năm qua là gì?

Ông Phạm Phú Bình: Sau 15 năm thành lập, tính đến thời điểm hiện tại, ngành TN&MT đã có quan hệ hợp tác song phương với 77 quốc gia và vùng lãnh thổ qua các khuôn khổ hợp tác được thiết lập chính thức và các hoạt động trao đổi cụ thể, đồng thời đã tham gia và có quan hệ hợp tác trong 103 khuôn khổ hợp tác đa phương khu vực và quốc tế. Đây là một kết quả đánh dấu sự trưởng thành của ngành TN&MT, thể hiện rõ sự chủ động của ngành trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế. 15 năm qua, phương châm xuyên suốt của công tác Hợp tác quốc tế là phải nắm bắt đầy đủ bối cảnh quốc tế và trong nước, nắm rõ các ưu tiên của từng đối tác quốc tế, hiểu rõ được tình hình về năng lực và nhu cầu phát triển của từng lĩnh vực chuyên môn và từng đơn vị của Bộ, từ đó, tham mưu được cho lãnh đạo Bộ và hướng dẫn, phối hợp được với các đơn vị và các đối tác quốc tế trong việc đề xuất các hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế cụ thể.

Bên cạnh việc thực hiện đúng phương châm này, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ và sự ủng hộ của các đối tác quốc tế đối với ngành TN&MT là những điều kiện thuận lợi giúp đạt được những kết quả nêu trên.

PV: Ông có thể cho biết định hướng trong công tác hợp tác quốc tế?

Ông Phạm Phú Bình: Công tác hợp tác quốc tế của ngành TN&MT hiện đã chuyển sang giai đoạn mới trong bối cảnh thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện và trong bước phát triển mới của đất nước. Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, nhưng đồng thời, tạo ra một số cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất định cho công tác hợp tác quốc tế của ngành TN&MT.

Các vấn đề về môi trường toàn cầu cần sự chung tay quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết. Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) và đặt ra 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) để nhân loại trên toàn thế giới cùng phấn đấu đạt được đến năm 2030. Tuy vậy, những biến động địa chính trị trên thế giới đang làm xáo trộn các cam kết về đóng góp cho việc thực hiện SDGs.

Ngay tại khu vực Đông Nam Á, những biến động về chính trị tại một số quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng làm giảm khả năng duy trì và xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ các nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Một số vấn đề về an ninh phi truyền thống - liên quan đến các tác động đến an ninh quốc gia do các yếu tố phi truyền thống như biến đổi khí hậu, tài nguyên nước xuyên biên giới, ô nhiễm khó mù xuyên biên giới,... đang đặt ra các thách thức đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải tìm được tiếng nói đồng thuận để hợp tác giải quyết.

Tại Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong giai đoạn vừa qua đã bộc lộ những điểm yếu còn tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước và cả về ý thức của người dân đối với bảo vệ môi trường, gây ra một số vụ việc ô nhiễm nặng nề có những tác động xấu đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực hỗ trợ phát triển quốc tế, ngành TN&MT của Việt Nam sẽ có cơ hội để tự vận động, chuyển hướng sang các hoạt động hợp tác đối tác và cả hợp tác chuyển giao. Các cán bộ chuyên môn của Bộ TN&MT sẽ cần chủ động và tích cực tham gia các mạng lưới chuyên môn liên quan tại khu vực và trên toàn cầu, giúp tự học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm các cơ hội hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Như vậy, chính trong điều kiện khó khăn hiện nay và trong thời gian tới đây, công tác hợp tác quốc tế của Bộ TN&MT sẽ cần khai thác thời cơ để tạo ra các chuyển biến về chất trong hợp tác quốc tế theo định hướng hội nhập quốc tế, đưa ngành TN&MT của Việt Nam lên một tầm vóc mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khương Trung (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác quốc tế: Cầu nối quản lý tài nguyên và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO