Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 30/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ |
Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận về hai nội dung lớn: Một là tình hình thiên tai, bão lũ và công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân; hai là về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm. Chính phủ đã đánh giá, thảo luận kỹ về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua và những giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, đưa ra những biện pháp tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.
Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn quyết liệt ở mức độ chưa từng có
Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành thời gian mặc niệm, tưởng niệm và chia sẻ những mất mát, đau thương, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung vừa qua. Thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng tính sơ bộ là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng. Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ |
Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá tình hình: Thiên tai trong tháng 10 vừa qua là lịch sử và công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng tập trung, chủ động, quyết liệt ở mức độ chưa từng có. Nhờ sự vào cuộc sớm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với sự vào cuộc của lực lượng quân đội với hai vị tướng, nhiều sĩ quan cấp tá và nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, lực lượng công an và lực lượng các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân vùng thiên tai và nhân dân cả nước, chúng ta đã hạn chế tối đa, giảm thiểu được thiệt hại.
Bão lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhưng càng khó khăn chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn, cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt. Chúng ta cũng thấy được quyết tâm rất lớn rằng, càng khó khăn càng có ý chí vượt khó để đưa đất nước tiến lên.
Cùng với đó, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, các tổ chức, đoàn thể, sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, mặc dù gặp những khó khăn rất lớn (COVID-19, bão lũ…) chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nhiều mục tiêu phát triển KTXH của năm được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Trong khi ổn định xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới bị đe dọa, thì chúng ta được coi là quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất, sớm có được trạng thái bình thường mới, cuộc sống người dân an toàn hơn.
Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN
Tình hình KTXH tháng 10 cơ bản bình thường trở lại và tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 đã được kiểm soát. Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III.
IMF đánh giá Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5 đến 3% năm 2020.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức Quốc hội giao.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, tháng 10 và 10 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 (tháng 10 tăng 42,2%; 10 tháng tăng 34,4%). Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện giảm 2,5%; vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, mua cổ phần giảm 19,4%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 439 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD. Chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Nông nghiệp góp phần quan trọng thực hiện an sinh và ổn định xã hội.
Sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (tháng 10/2020 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước); hàng hóa dồi dào, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được tích cực triển khai hiệu quả.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 khởi sắc, tăng 18,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với cùng kỳ. 10 tháng có gần 111.200 doanh nghiệp thành lập mới.
Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh; Thủ tướng Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức và Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam.
Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư trong 10 tháng năm 2020 giữ được ổn định. Tuy nhiên, do bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy tại một số địa phương, Chính phủ đã xuất cấp 11.500 tấn gạo và 500 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung bị bão lũ; Bộ Quốc phòng xuất cấp tổng cộng 77,5 tấn lương khô, 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo cho người dân vùng lũ; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp, đạt tổng giá trị 7,7 nghìn tỷ đồng.
Dồn “cả tâm cả sức” khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19
Nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định: Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất. Khẩn trương khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; hỗ trợ người dân về giống và vốn để phục hồi sản xuất; nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường, có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập, không để các em thiếu sách vở đồ dùng học tập; hết sức chú ý có phương án chủ động ứng phó với các đợt bão lũ, thiên tai có thể tiếp tục xảy ra.
Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân cả nước với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung.
Tại phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng đã xác định những lĩnh vực ưu tiên cụ thể tập trung triển khai thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2020 nhằm đạt cao nhất mục tiêu của cả năm. Cụ thể là các giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Cùng với đó là các giải pháp khơi thông được các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn; các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định thương mại EVFTA mới có hiệu lực, tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là giải pháp xuất khẩu nông sản chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tăng trưởng thương mại điện tử.