Hổng chính sách… thất thoát tài nguyên

02/08/2016 00:00

(TN&MT) - Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản:  Các bất cập và khuyến nghị” do Liên minh Khoáng sản phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Hội Địa chất kinh tế Việt Nam tổ chức vừa qua.

Tài nguyên khoáng sản là của quốc gia và phải quản lý theo luật thống nhất. Ảnh: HN
Tài nguyên khoáng sản là của quốc gia và phải quản lý theo luật thống nhất. 

Thực tế cho thấy, trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh với nhiều loại khoáng sản được khai thác ở quy mô lớn. Theo Bộ TN&MT, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng lớn vào năm 2013. Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% vào tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới vào năm 2012. Tuy vậy, chúng ta khai thác nhiều nhưng nộp ngân sách ít. Ông Emanuel Bria – Viện Quản trị tài nguyên Hoa Kỳ nhận định, mức độ thất thu ngân sách từ khai thác tài nguyên ở Việt Nam khá cao, có thể mất tới 1 tỷ USD hàng năm.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015, số thu thuế tài nguyên đạt 11.129 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,22% tổng số thu ngân sách Nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu thuế tài nguyên, thậm chí không đủ cho chi phí quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Đơn cử như tỉnh Yên Bái thu được 100 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản (năm 2015, nguồn thu này còn thấp, chưa tương xứng với quy mô khai thác, sự xuống cấp của hạ tầng, ảnh hưởng môi trường, nguồn tài nguyên không tái tạo bị cạn kiệt.

Theo các chuyên gia, xảy ra tình trạng này là do chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Như việc thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy vậy, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Ngoài ra, giá bán thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan TN&MT chưa hiệu quả. Nạn khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây thất thu ngân sách.

Hiện, cả nước có trên 5.000 mỏ và và 60 loại khoáng sản khác nhau với trên 1.500 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy vậy, nhiều địa phương cấp phép khai thác, nhưng không thực hiện việc giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn, không đủ năng lực giám sát về hành chính, kỹ thuật, đặc biệt là về môi trường và tổn thất tài nguyên... 

Bên cạnh đó, bộ máy thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn phân tán, thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ nên công tác này chưa phát hiện kịp thời những bất cập trong quản lý và hoạt động khoáng sản, chưa thực sự giúp cho ngành khai khoáng phát triển bền vững, còn để xảy ra nhiều tiêu cực trong hoạt động và quản lý.

Ngoài bất cập nêu trên, chuyên gia kinh tế độc lập - TS. Nguyễn Thành Sơn chỉ ra 4 bất cập khác của khai thác than - khoáng sản Việt Nam. Đó là, trình độ công nghệ lạc hậu khiến tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, tổn thất khoảng 40 - 60% đối với khai thác than hầm lò, 26 - 43% đối với quặng apatit, 15 - 30% đối với quặng kim loại và 15 - 20% đối với vật liệu xây dựng, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp chưa được chú trọng khai thác. Đặc biệt tình trạng xuất khoáng sản thô kéo dài, xuất lậu sang Trung Quốc nghiêm trọng. Các ngân hàng thương mại vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ của Nhà nước, nhiều dự án vẫn được chấp thuận đầu tư và cấp tín dụng dù không thực sự hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất ý kiến, tất cả tài nguyên khoáng sản là của quốc gia và phải quản lý theo luật thống nhất. Tiền thuế thu được phải thiết lập thành một quỹ để tái tạo về TN&MT. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất Bộ TN&MT cần đánh giá lại trữ lượng khoáng sản của Việt Nam hiện nay.

 K. Vinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hổng chính sách… thất thoát tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO