Hồn Quê

21/01/2017 00:00

(TN&MT) - Nét văn hóa sống của người Việt, trên mọi miền của đất nước, đều có cùng một mẫu số chung: Thờ cúng Tổ Tiên và anh hùng dân tộc để gắn bó con người...

 

(TN&MT) - Đi suốt cung đường cong hình chữ S này, tôi nhận thấy một điều: Nét văn hóa sống của người Việt, trên mọi miền của đất nước, đều có cùng một mẫu số chung: Thờ cúng Tổ Tiên và anh hùng dân tộc để gắn bó con người với gốc rễ của họ; củng cố tình nghĩa đồng bào để giữ nước. Lấy Con Người làm gốc, phát huy, tôn vinh, củng cố và tô bồi nhân cách.

 

Năm nào cũng vậy, từ khoảng 9, 10 giờ đêm 30 Tết cho đến suốt ba ngày Tết, người ta thường tránh những việc như đi đòi nợ, quét nhà, hay nói những lời xúc phạm lẫn nhau; thay vào đó là nết ứng xử hòa ái, tôn trọng nhân cách và nói những lời tốt lành với mọi người. Dù cho người thân, sơ hay bạn bè có giận nhau quanh năm, Tết đến họ cũng phải cố nở nụ cười giải hoà, làm lành lánh dữ, để đón Phúc Lộc vào nhà.

Trong những ngày đầu Xuân, khi gặp gỡ, câu đầu tiên người ta thường chào nhau: ”Năm cũ bước qua năm mới, tôi chúc (Ông, bà, bác, chú, anh, chị em, cháu vv...) phát tài, sai lộc, sức khoẻ dồi dào; ... con cháu học hành tấn tới, giỏi giang bằng...năm bằng mười năm ngoái !!!”. Người “hay chữ” thường chúc nhau “Chúc ông bà ... Phúc Lộc Thọ Khang, Thân Tâm An Lạc, Vạn Sự Như Ý!!!”.

Vào đúng nửa đêm 30, những phút giây giao thời từ năm cũ sang năm mới, ba hồi chiêng, trống và chuông của Đình và Chùa làng nổi lên rộn rã báo hiệu lễ Giao Thừa, Năm Mới đã đến.

Trong nhà, bàn thờ Tổ Tiên, bộ thất-sự với lư đồng, chân nến sáng choang, bánh chưng xanh, câu đối đỏ hòa cùng hương đăng ngào ngạt, ấm cúng. Ngoài sân, hay ở hiên nhà, nơi nào cũng có mâm cúng Giao Thừa với hoa quả, xôi, gà trống luộc ngậm hoa Cúc, và đèn hương lung linh. Chủ nhà khăn áo trịnh trong, thành kính lâm râm khấn bái, tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời anh linh Tổ Tiên về sum hop tinh thần với con cháu; họ cũng không quên khấn cầu phúc lộc, năm mới may mắn, sức khoẻ dồi dào cho các thành viên trong gia đình.

Sáng sớm mồng một Tết, sau khi thắp đèn hương trên bàn thờ, lễ lạy Tổ Tiên, con cháu xúng xính với quần áo mới tập trung chúc Tết ông bà, cha mẹ; và các bậc sinh thành cũng mừng tuổi con cháu bằng những phong bao màu đỏ; mong cho con cháu sang năm mới khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi. Theo lệ, người ta cũng thường có những món quà Tết biếu các cụ trưởng thượng trong gia tộc. Những tục lệ mừng tuổi, biếu tặng này có ý nghiã : Trẻ con được yêu thương, và người già được qúy trọng.

Nhũng thành viên của gia đình quần tụ trò chyện quanh những đĩa mứt bí, mứt gừng, hạt sen, hạt dưa vv... chờ đón người... tốt vía đến “xông” đất. Và rồi...chiếu Tam Cúc giữa những người thân cũng được trải ra, chan hòa tiếng gọi quân, và những tràng cười giòn dã; thỉnh thoảng lại có tiếng pháo chuột tạch đùng, râm ran vang vọng.

Đối với hầu hết người Việt, thờ cúng Tổ Tiên, anh hùng dân tộc là chất keo tinh thần gấn bó giữa con người và gốc rễ cội nguồn của họ; là một hình thức nhắc nhở các thành viên của gia đình gìn giữ vững nếp nhà, hồn nước. Trên bàn thờ Tổ Tiên, ngoài bài vị của các Tiền Bối của gia đình, còn có những lễ cụ như: Lư hương, chân đèn, bình hoa, mâm bồng, ly trà, nước, rượu và các lễ vật; mỗi thứ có biểu tượng và ý nghiã riêng: 

Đèn nến tượng trưng cho ánh sáng của trí tuệ, thắp sáng cho tâm linh tỉnh thức.

Hương trầm nói lên tấm lòng thàmh kính tường nhớ hướng vọng về nguồn cội gia tiên.

Hoa quả biểu trưng cho lí nhân duyên của nhà Phật và cũng là phẩm vật cúng dường có gốc rễ từ nền văn minh nông nghiệp. 

Nước trong, trà, rượu là biểu tượng cho tâm ý trong sạch và thành kính của chủ lễ.

Bánh Chưng bánh Dày tượng trưngTrời Đất nhắc nhở sự tích Thái Tử Lang Liêu, đời vua Hùng Vương thứ 6 của thời dựng nước với 18 Vua Hùng; đây cũng là hình thức tạ ơn trời, đất đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; lễ vật này cũng mang dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp.

Trầu Cau đề cao tình cốt nhục, nhắc nhở mọi người câu chuyên anh em Cao Tân (cây Cau), Cao Lang (Tảng đá Vôi) và Lưu Thị (Cây dây Trầu) tromg “Lĩnh Nam Chích Quái” - Nay vẫn còn đền thờ ba vị ở đền Tam Khương, làng Nam Hoa, huyện Nam Đàn Nghệ An - (theo Wikipedia tiếng Việt, “Sụ Tích Trầu Cau”). Câu chuyện này đề cao tinh thần gia tộc tương kính, tình nghiã ruột thịt thiêng liêng vv...

 

Ngày Tết, trong nhà ngoài ngõ, những chậu hoa Đào, hoa Mai nở rộ, tưng bừng khoe hương sắc Xuân. Trên bàn thờ Tổ tiên, đèn nến lung linh; bình hoa huệ trắng tinh khôi mùi thơm thoang thoảng; hoa Dơn (gladiolus) đỏ thắm màu may mắn; điã ngũ quả đầy đặn với Bưởi Diễn, Chuối xanh, Cam vàng, Táo đỏ, vv... Mùi Hương Bài đặc trưng thuần Việt thoang thoảng trong không gian ấm cúng của gia đình. Đây là hình ảnh Tết đặc trưng và trân qúy, tiêu biểu của hầu hết gia đình người Việt; đó cũng là hương sắc mênh mang hồn quê, hồn nước trong khắp mọi nhà. 

Bài & ảnh: Bùi Văn (Tác giả hiện định cư  tại Hoa Kỳ)

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồn Quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO