Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội.
Sáng 29/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; các bộ ngành, địa phương; các tổ chức quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, trong 20 năm vừa qua, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân.
Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội.
Về bão, trung bình hàng năm đã có từ 11 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Điển hình như cơn bão Cecil vào Bình Trị Thiên tháng 10/1985 gây nước dâng cao hơn 4 m làm 901 người chết, gần 69.000 ngôi nhà bị đổ. Cơn bão Linda gió cấp 10 đổ bộ vào Cà Mau tháng 11/1997 làm gần 3.000 người chết và mất tích, trên 3.000 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Cơn bão số 7 năm 2005 gió cấp 12 đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ gây vỡ hàng loạt các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thanh Hoá. Cơn bão Chan Chu tháng 5/2006 gió cấp 12 làm 268 người chết và mất tích (chủ yếu là ngư dân đánh bắt trên biển), trong đó tỉnh Quảng Nam thiệt hại nặng nhất với 160 người chết và mất tích;
Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, để lại những hậu quả sau nhiều năm mới có thể khắc phục và làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Thiên tai đã khiến 386 người chết, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng.
Không chỉ hứng chịu bão, các đợt mưa lớn gây lũ lụt hết sức nghiêm trọng. Trận lũ lịch sử năm 1999 trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung làm 900 người chết, mất tích, gây mất mùa và để lại hậu quả nặng nề.
Trận lũ lớn năm 2000 tương đương mức lũ lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long làm 565 người chết, trong đó có trên 300 trẻ em, hơn 263.000 ha lúa bị hư hỏng;
Trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh và các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2015 đã làm 42 người chết và mất tích, gây thiệt hại nghiêm trọng tại những khu vực hầm lò khai thác than. 5 trận lũ lớn liên tiếp cuối năm 2016 tại khu vực miền Trung gây ngập úng kéo dài 02 tháng làm 129 người chết, mất tích.
Trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Lũ quét tháng 6/1990 trên suối Nậm Lay, thị xã Lai Châu (cũ) làm 82 người chết và mất tích; Lũ quét tháng 9/2002 tại Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh làm 53 người chết và mất tích, 370 căn nhà bị cuốn trôi; Lũ quét ngày 5/9/2013 tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm 11 người chết và mất tích, 16 người bị thương.
Năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi như tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) vào đầu tháng 8; tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình) từ giữa tháng 10; sạt lở đất ở huyện Bắc Trà Mỹ, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)… đã làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp, gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, nhất là về sản xuất nông nghiệp. Đã có trên 2 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế trên 15.700 tỉ đồng.