Hồi ức của "nữ công binh thép"

01/09/2015 00:00

(TN&MT) - Trở về vùng biển Hải Hòa trong cái nắng như thiêu, như đốt, chúng tôi tìm gặp bà Dương Thị Trình - nữ chiến sĩ “công binh thép” một thời. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng hình ảnh và ký ức về chiến tranh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đậm sâu trong trí nhớ của bà.

Tuyến đường máu lửa, đau thương

Đó là nữ công binh thép Dương Thị Trình (sinh năm 1951) trú quán thôn Vinh Tiến, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Sau khi học xong cấp 2, người con gái đang ở độ tuổi 18 đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Hà Tĩnh, tháng 3/1971 bà cùng 37 đồng chí nữ khác được tuyển chọn vào đơn vị công binh Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 33, Binh đoàn 14, Đoàn 559. Với nhiệm vụ đảm bảo thông suốt tuyến đường  trọng điểm A-T-P (tên viết tắt trọng điểm Cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu-La-Nhích thuộc tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào). Đơn vị “nữ công binh thép” được Trung ương Đảng lấy vào khu vực trọng điểm này để làm nhiệm vụ bảo vệ thông tuyến đường cho xe chở trang thiết bị đạn dược vào chiến trường miền Nam.

Đây là vị trí quân đội Mỹ đánh phá ác liệt nhất, để thực hiện nhiệm vụ thông đường các đồng chí nữ công binh thép phải đào hầm đóng quân và ăn ở tại đây. Cung đường dài 7 km với một bên là vực sâu, bên kia là vách núi dựng đứng. Nơi đây là tuyến đường xuyên Trường Sơn nối liền tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn của Lào.

Trung đội nữ công binh thép gặp lại Đại tướng năm 2003
Trung đội nữ công binh thép gặp lại Đại tướng năm 2003

Vẫn vẹn nguyên những ký ức ngày hôm qua, bà Trình chia sẻ: “Nơi chúng tôi đóng quân, nắng nóng khô hạn, không có nước sinh hoạt, không có bồ kết gội đầu, không có xà phòng giặt đồ, mọi người phải lấy nước vo gạo ngâm chua đi để giặt quần áo. Nhiều hôm tóc bị nấm rụng hết, đơn vị toàn phụ nữ nên việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn hơn, quân địch thường xuyên đánh phá bom mìn, những quả bom chưa nổ, đơn vị phải cử một đồng chí gan dạ nhất dùng bộc phá đảm bảo thông suốt cho tuyến đường”.

Trong chiến dịch ác liệt nhất mùa khô năm 1973, nhiều hôm giặc Mỹ đánh hàng chục trận bom xuống cung đường 20 Quyết Thắng khiến 8 người hy sinh. Sau đó, chúng thả chất bột lạ xuống nơi đơn vị đang đóng quân, nhiều chị em giẫm trúng phải cưa chân nếu không sẽ hoại tử tới chết. Nhưng vì tiền tuyến, những người còn sống vẫn hàng ngày chiến đấu sinh tử để bảo vệ con đường huyết mạch.

Vẹn nguyên ký ức  về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đã 2 lần người nữ công binh thép Dương Thị Trình được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên vào tháng 3/1973 tại chiến trường đèo Phu-La-Nhích khi cuộc chiến tranh đang ở thời điểm ác liệt nhất.

Bà Trình bồi hồi nhớ lại: Dù đã được báo trước 2 ngày tin Đại tướng tới thăm, nhưng cả đơn vị vẫn rất háo hức. Hôm Đại tướng về thăm cả đơn vị vui như mở hội vì đây là lần đầu tiên được gặp người. Tại buổi gặp mặt, Đại tướng lần lượt bắt tay từng người sau đó, cùng chụp ảnh chung với các nữ công binh thép. Đại tướng cũng bất ngờ trước nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường trọng điểm, huyết mạch là một đơn vị nữ.

Cũng tại buổi gặp Đại tướng trò chuyện, thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chị em phụ nữ và tặng những vật phẩm cần thiết cho chúng tôi. Cũng chính Đại tướng đã đặt tên cho trung đội của chúng tôi là “Trung đội nữ công binh thép” với ngụ ý chỉ có ý chí thép, kiên cường mới trụ lại được nơi đây.

Sau khi chiến tranh kết thúc Trung đội “nữ công binh thép” khi ra quân chỉ còn lại 20 người, Trung đội đã vinh dự 2 lần được nhận phong tặng “Đơn vị anh hùng”.

Lần gặp thứ 2 cũng thật tình cờ, vào năm 2002 khi đang xem chương trình Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh Việt Nam trên ti vi. Đến đoạn Bác Giáp nhắn nhủ “Những ai thuộc Trung đội nữ công binh thép năm xưa, nếu ai còn sống thì hãy viết thư cho Bác hoặc đến gặp Bác”. Ngay sau đó, bà Trình ra Hà Nội gặp bác tại nhà riêng trò chuyện về những ký ức chiến tranh, các món quà Bác gửi, tên đơn vị.

Sau đó, vào ngày 16/7/2003, 30 năm kể từ lần gặp đầu tiên 10 nữ công binh thép lại một lần nữa được gặp Bác tại Hà Nội.

Tiếp tục dòng hồi ức, bà Trình không nén nổi dòng nước mắt khi nói về ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Những kỷ niệm đẹp khi được gặp người trong thời bình cũng như thời chiến vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bà.

Sau khi hòa bình lập lại, nữ công binh thép Dương Thị Trình ra quân mang quân hàm thượng sỹ, Trung đội phó quyền Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 33, Binh đoàn 14, Đoàn 559 và được Nhà nước phong tặng Huân Chương kháng chiến hạng Ba trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chiến tranh kết thúc, Nam Bắc thu về một mối, 18 người trong trung đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Những người còn lại trở về với cuộc sống thường ngày, nhưng những di chứng của chiến tranh để lại vẫn nặng nề. Đối với nữ công binh Dương Thị Trình, sau khi về địa phương đã lập gia đình và sinh được 6 người con, trong đó có 2 người bị chất độc da cam.

Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi ức của "nữ công binh thép"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO