PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các nền kinh tế mới nổi, khu vực trải rộng trên bề mặt Trái đất và cung cấp nơi sống cho phần lớn dân số thế giới.
“Các nền kinh tế mới nổi có vai trò quan trọng cho sự phát triển của nhiều công ty đa quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi góp phần đáng kể vào ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, thách thức sự bền vững của các quốc gia, đặc biệt là ở châu Á. Các khía cạnh quan trọng của kinh tế, phát triển và bền vững trong bối cảnh thay đổi toàn cầu ở các nền kinh tế mới nổi châu Á đang thu hút sự quan tâm của các học giả quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.
“Hàng năm, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức các hội thảo quốc tế về kinh tế, phát triển và bền vững. Chủ đề của hội thảo năm nay liên quan đến những thay đổi toàn cầu và phát triển bền vững ở Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác trên toàn châu Á. Hội thảo cũng xoay quanh các chủ đề rộng hơn như: kinh tế và kinh doanh, phát triển và bền vững, tài nguyên và thay đổi toàn cầu” – ông Nguyễn Trúc Lê cho biết thêm.
Tham gia hội thảo có Tổng biên tập tạp chí Springer ENVI, các giáo sư có uy tín tại Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Á, Đông Nam Á và khoảng 150 đại biểu từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong toàn quốc tham dự.
Hội nghị chính thức diễn ra trong cả ngày 15/11 và được chia thành 7 phiên, trong đó có 2 phiên toàn thể và 5 phiên song song. Kinh tế tri thức, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đô thị hóa, ô nhiễm và xung đột môi trường… là những nội dung chính thuộc 3 nhóm vấn đề về kinh tế vĩ mô được đề cập tại hội thảo.
GS. Sarah Turner, Đại học McGill, Canada chủ trì phiên hội thảo toàn thể |
Cụ thể, về chủ đề “Kinh tế và kinh doanh”, Hội thảo tập trung thảo luận về lý thuyết kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô, vấn đề chất lượng và năng suất, chính sách và tình hình phát triển kinh tế của các ngành và doanh nghiệp, kinh doanh và kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kinh tế tri thức, khởi nghiệp đổi mới.
Phát triển và bền vững cũng là chủ đề chính được quan tâm tại hội thảo. Các đại biểu đã trao đổi về chính sách phát triển, khoa học bền vững, chính sách và pháp luật liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thách thức liên quan đến phát triển bền vững, phương pháp tích hợp để phát triển bền vững, định lượng bền vững, công cụ phát triển bền vững, giáo dục phát triển bền vững, du lịch bền vững.
Về nhóm chủ đề “Tài nguyên và thay đổi toàn cầu”, các vấn đề được thảo luận gồm: Nghiên cứu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhân lực, văn hóa và di sản, thị trường đất đai và tài sản, thay đổi xã hội, toàn cầu hóa, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nghiên cứu khu vực, viễn thám - GIS và quy hoạch không gian.
Hội thảo đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và chuyên gia trong các lĩnh vực liên ngành. Hội nghị là diễn đàn thảo luận giữa các giảng viên, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đối tác, nghiên cứu sinh, sinh viên đại học, những người quan tâm đến đổi mới và phát triển kinh tế.