Hội nhập và chính sách thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi

10/09/2015 00:00

 (TN&MT) - Ngày 9/9, tại Hà Nội, Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam (VAPF) phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản tổ chức “Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam 04: Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN lên ngành chăn nuôi Việt Nam”. Tham dự Diễn đàn có đại diện Viện Nghiên cứu và Chính sách, Hiệp hội chăn nuôi, Hội Nông dân và nhiều chuyên gia đơn vị có liên quan.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS.Nguyễn Thị Thu Hằng, Viện Nghiên cứu và chính sách cho biết, Hội nhập luôn mang lại cả cơ hội và thách thức không nhỏ cho các nước tham gia. Hiện nay, sản xuất của ngành chăn nuôi vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, lệ thuộc nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết lỏng lẻo giữa các khâu sản xuất, tiêu thụ dẫn đến năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu, gây bất lợi cho thương mại khi hội nhập. Sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp do cạnh tranh chính đến từ các nước tham gia TPP, đặc biệt là ngành thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước cần chú trọng khuyến khích đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đi cùng với hệ thông giết mổ tập trung và phân phối, bán lẻ có làm lạnh.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, trước nguy cơ ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tự do hóa thương mại đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt với luồng sản phẩm nhập khẩu ào ạt từ các nước có thế mạnh về chăn nuôi như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada ngay tại chính thị trường nội địa, ngành chăn nuôi cần các định các biện pháp chống đỡ trong ngắn hạn và dài hạn.

Toàn cảnh Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cũng kiến nghị một số giải pháp để tăng tính cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Như cần tạo mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm, khép kín. Tìm ra cơ chế hợp tác sản xuất, phân chia lợi nhuận giữa các khâu trong sản xuất hợp lý. Đối với khu chăn nuôi tập trung, nhà nước hỗ trợ đường điện, nước cấp, nước thoát đến tận chân công trình. Đối với đất đai xây dựng chuồng trại chăn nuôi được cấp ngay sổ đỏ; cho tư nhân vay vốn dài hạn, trung hạn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, chăn nuôi với lãi suất ưu đãi và cho ân hạn 3 - 4 năm. Đồng thời, nâng cao hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật này công khai, có sự tham gia xây dựng và kiểm soát của các hội, hiệp hội chuyên ngành.

Cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chiến lược, Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đề án được đưa ra với mục tiêu phát huy lợi thế về khả năng sản xuất của một số loại vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng; phát triển bền vững nhằm đảm bảo an sinh xã hội đặc biệt là bảo vệ môi trường giảm phát thải trong chăn nuôi.

Thu Thủy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập và chính sách thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO