Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai

14/09/2015 00:00

(TN&MT) - Sáng 14/9, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình thời tiết và thiên tai diễn biến bất thường và cực đoan. Nắng nóng gay gắt duy trì liên tục tại 18 tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận, Tây Nguyên gây hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Tổng diện tích không canh tác được và diện tích bị thiếu nước đối với 2 vụ đông xuân, hè thu là 191.323 ha.

Bên cạnh đó, tại khu vực miền Trung, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên diện rộng. Cụ thể, thiên tai đã làm 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương; thiệt hại 1.130 nhà sập đổ, cuốn trôi; ngập, hư hại 45.499 ha lúa; thiệt hại 4.636 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; làm chết hơn 43.000 con gia cầm cùng các thiệt hại về giao thông, thủy lợi, công nghiệp… Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 5.465 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do hạn hán).

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Trước diễn biến bất thường của thiên tai, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Trong đó, đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo; hỗ trợ các địa phương 363,6 tỷ đồng và hơn 3.000 tấn gạo, 825 tấn hạt giống; huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thiên tai…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ ra những hạn chế tồn tại nhằm khắc phục công tác ứng phó với thiên tai. Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kế hoạch, giải pháp để ứng phó với tình trạng cực đoan và bất thường của thời tiết; cập nhật, theo dõi tình hình diễn biến thời tiết trong thời gian tới; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng sẵn sàng ứng phó với thời tiết bất thường; tính toán nguồn nước đảm bảo sinh hoạt và sản xuất; tập trung thực hiện Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1002, các dự án thuộc công trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dân vùng thiên tai.

Cùng với đó, tăng cường các đợt diễn tập cứu hộ, cứu nạn; rà soát lồng ghép các giải pháp ứng phó thiên tai vào quy hoạch phát triển của ngành, địa phương; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo việc tích nước hợp lý đối với các hồ chứa thủy lợi; tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác phòng, chống thiên tai…

Hội nghị đã nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo về công tác chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng giải pháp, nhiệm vụ triển khai thời gian tới.

Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Ông Tùng cảm ơn sự quan tâm chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, cơ quan, đơn vị cùng nhân dân cả nước đã dành tình cảm và sự hỗ trợ thiết thực đối với tỉnh Quảng Ninh để khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ông Tùng cho biết: Do ảnh hưởng vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Bộ và diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, từ ngày 25/7 đến 5/8/2015, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt. Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh đến thời điểm hiện nay khoảng trên 2.700 tỷ đồng, trong đó ngành Than khoảng trên 1.200 tỷ đồng. Ngay khi có thông tin về ảnh hưởng của vùng áp thấp, tỉnh Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị, triển khai các biện pháp nhằm giảm tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Qua triển khai thực tế, tỉnh Quảng Ninh rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống mữa lũ, đó là: tăng cường tuyên truyền đến các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn, trong đó, chú trọng tuyên truyền đến từng thôn, bản, khu phố để chủ động ứng phó với thiên tai khi mưa lũ xảy ra; đối với công tác chỉ đạo, cần chủ động linh hoạt, kiên quyết, kịp thời, nắm bắt thông tin dự báo thời tiết, đặc biệt cần có biện pháp chỉ đạo di dân đối với khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”…

Để chủ động công tác ứng phó thiên tai, thời gian tới, tỉnh tập trung duy trì chế độ trực theo quy định, rà soát quy trình quy hoạch cấp thoát nước, phát triển đô thị; cùng với ngành than rà soát, nghiên cứu quy hoạch bãi thải tập trung, xác định hành lang an toàn cho khu vực dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường; rà soát kịp thời bổ sung các tình huống ứng phó với mưa lũ; tăng cường công tác trồng rừng; rà soát nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ đập; lắp đặt thiết bị quan trắc, thông tin cảnh báo mưa lũ sớm; xây dựng Đề án di dân ra khỏi khu vực sạt lở bãi thải than và khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt khi có mưa lũ và Đề án khắc phục môi trường.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại điểm cầu Thừa Thiên - Huế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đình đã chủ trì Hội nghị. Ông Đình cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là ứng phó với cơn bão số 3 đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung mà tâm điểm từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão, kêu gọi tàu thuyền trên biển về nơi tránh trú bão an toàn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm.

Đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống lụt Trung ương hỗ trợ tỉnh kinh phí đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3.073 căn nhà cho các hộ nghèo phòng tránh bão lụt trên địa bàn, hỗ trợ chương trình nâng cấp đê biển với nguồn kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Đối với chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước, tỉnh tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp 20 hồ chứa với tổng kinh phí 363 tỷ đồng. Tỉnh kiến nghị Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm hỗ trợ bố trí kinh phí thực hiện.

Phía đầu cầu Quảng Trị có ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hoàng Đức Thắng , Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh. Đối với Quảng Trị, các tháng đầu năm 2015, tình hình thiên tai cũng diễn biến phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

 Qua đợt ứng phó với thiên tai trong thời gian qua, hội nghị đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý như phải luôn luôn chủ động trong chỉ đạo , điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động trong dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn và diễn biến mưa lũ; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ TW tới địa phương và xuống cơ sở; công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó và tìm kiếm cứu nạn phải nhanh nhạy, kiên quyết, phù hợp với diễn biến thực tiễn và quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, đưa tin, phản ánh kịp thời, sâu rộng về hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. Để chủ động phòng chống ảnh hưởng của cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền khu vực Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tỉnh đã yêu cầu các ngành liên quan, địa phương phải khẩn trương thu hoạch lúa và cây trồng vụ hè thu trước khi mưa, lũ xảy ra; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; quán triệt phương châm “4 tại chỗ“ trong PCTT - TKCN; chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa và các dự án trọng điểm đang thi công...

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO