Hội nghị sơ kết công tác tái canh cà phê vùng Tây Nguyên

26/06/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 25/6, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tái canh cà phê vùng Tây Nguyên.

   
(TN&MT) - Ngày 25/6, tại Công ty cà phê Thắng Lợi (TP.BMT, tỉnh Đắk Lắk), Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tái canh cà phê vùng Tây Nguyên.
   
  Hội nghị nhằm đánh giá lại công tác tái canh cà phê vùng Tây Nguyên trong 3 năm từ 2011 - 1013; đồng thời bàn những giải pháp tối ưu để áp dụng vào tái canh đại trà. Tham dự hội nghị có đại điện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các hộ dân trồng cà phê.
   
   
  Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam thì tính đến hết năm 2013, cả nước có trên 622.000ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum với sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn. Trong đó, diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi khoảng 86.000ha (chiếm 17,3% tổng diện tích). Ngoài ra còn có khoảng 40.000ha (dưới 20 năm) nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp.
   
  Theo tính toán, tổng diện tích cà phê cần thay thế trong 5 - 10 năm tới khoảng 140 - 160 nghìn héc ta. Diện tích vườn cà phê cần trẻ hóa để nâng cao năng suất và chất lượng là rất lớn. Thế nhưng, số diện tích cà phê đã được tái canh lại chiếm một phần rất nhỏ. Từ năm 2012 đến nay, ngoài diện tích 2.000ha do Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã tái canh (bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp và vốn vay), diện tích cà phê ở các vườn cà phê của nông dân diễn ra rất chậm và khó quản lý. Nguyên nhân chính khiến cho công tác tái canh cà phê gặp khó khăn là: diện tích cà phê vượt quy hoạch nhiều; nguồn vốn đầu tư cho việc tái canh rất cao (khoảng 150 triệu đồng/1ha/3 năm đầu); công tác phổ biến kỹ thuật tái canh còn gặp nhiều hạn chế, hiệu quả tái canh còn thấp…
   
   
  Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tái canh cà phê một cách có hiệu quả như: phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê; tăng cường quản lý chất lượng tái canh; khơi thông nguồn vốn vay; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tái canh cho các hộ nông dân; triển khai tốt các dự án phát triển bền vững…
   
   
  Bên cạnh đó, hội nghị cũng đưa ra nhiều kiến nghị với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương để công tác tái canh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Trong đó, Bộ NN&PTNT cần sớm trình lên Chính phủ phê duyệt một “Đề án tái canh cà phê toàn diện”, đồng thời có biện pháp phát triển giải ngân có hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho chương trình này tại Tây Nguyên (khoảng 12.000 tỷ đồng) để người dân có vốn thực hiện công tác tái canh; Viện Khoa học Nông – Lâm – Nghiệp Tây Nguyên cần tập trung nghiên cứu ra những giống cà phê mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt, đồng thời tích cực phối hợp với các ban ngành tổ chức các buổi hội thảo chuyển giao khoa học, công nghệ để người trồng cà phê học hỏi kinh nghiệm và rút ra những phương pháp trồng và chăm sóc tốt nhất; lãnh đạo sở, ban, ngành các tỉnh cần rà soát lại quy hoạch diện tích trồng cà phê, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ nông dân và doanh nghiệp nhận thức rõ việc tái canh cà phê là việc làm cần thiết và cấp bách, đồng thời có biện pháp hỗ trợ cho các hộ tái canh cà phê…
   
Lê Phước
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị sơ kết công tác tái canh cà phê vùng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO