Học sinh cả nước có một Lễ Khai giảng "chưa từng có"

Khương Trung | 05/09/2021 18:25

(TN&MT) - Sáng nay (5/9), hàng triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học mới mà chỉ được nghe tiếng trống khai trường qua sóng truyền hình hay máy tính.

Tại Hà Nội, 7h30 sáng, lễ khai giảng năm học mới đặc biệt cho hơn 2,1 triệu học sinh bắt đầu tại duy nhất Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: TH

Lễ khai giảng cũng được kết nối tới 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội  và được tường thuật trực tiếp trên truyền hình để giáo viên, và học sinh theo dõi.

Anh Phan Hậu (Thanh Xuân Bắc) chia sẻ: Dịch Covid-19 ập đến, con học phải nghỉ giữa chừng, bậc mầm non không thể “tạm biệt gấu Misa nhé”. “Mai e vào lớp 1 rồi” cũng không thể đến trường khai giảng, đành dự lễ khai giảng online, gặp cô giáo, bạn bè qua màn hình máy tính!

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thích nghi thôi, mai này con lớn lên sẽ thấy mỗi khoảnh khắc trải nghiệm thế này đều đặc biệt, đáng nhớ! Chào mừng con vào lớp 1!

Anh Trần Mạnh Hà, cán bộ tập đoàn VNPT cho biết, đây là một lễ khai giảng "chưa từng có", một Lễ Khai giảng online, tương lai chuyển đổi số. Anh muốn đồng hành cùng con trai mình trong thời khắc ý nghĩa và đặc biệt này, đồng thời chúc các em học sinh dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn vui vẻ, mạnh khoẻ, chăm ngoan và học tập tốt.

Anh Trần Mạnh Hà, cán bộ tập đoàn VNPT cho biết, đây là một lễ khai giảng "chưa từng có", một Lễ Khai giảng online, tương lai chuyển đổi số. Anh muốn đồng hành cùng con trai mình trong thời khắc ý nghĩa và đặc biệt này, đồng thời chúc các em học sinh dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn vui vẻ, mạnh khoẻ, chăm ngoan và học tập tốt.

Cháu Gia Bảo, học sinh lớp 8 trường THCS Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội dậy từ rất sớm và háo hức cho buổi Lễ Khai giảng đáng nhớ này.

Chị Tạ Thu Hằng (Hà Nội) chia sẻ: Một khai giảng thật đặc biệt. Mong dịch bệnh sớm tiêu trừ để các con được tung tăng đến trường gặp bạn bè, gặp thầy cô

Năm nay, một số tỉnh thành khác cũng tổ chức lễ khai giảng phát sóng trên truyền hình như An Giang, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Hải Dương, Quảng Ngãi…

Trong khi đó, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài, có 19 tỉnh, thành phố quyết định không tổ chức hoặc lùi ngày tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022. Đó là TP.HCM, Quảng Bình, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu không tổ chức khai giảng; Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Long An, Trà Vinh, Tây Ninh… lùi lễ khai giảng tới giữa hoặc cuối tháng 9.

TP Hải Phòng tổ chức khai giảng trực tiếp cho các lớp đầu cấp 1, 6 và 10. Các lớp còn lại khai giảng trực tuyến. Kon Tum và Cao Bằng tổ chức khai giảng đúng ngày 5/9 nhưng chỉ tại lớp cho học sinh.

Trong ngày hôm nay, chỉ có học sinh của gần 20 tỉnh thành là Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ… được tham dự lễ khai giảng truyền thống với bạn bè, thầy cô.

Dù năm học mới đã chính thức bắt đầu nhưng tại nhiều tỉnh thành, thành phố vẫn còn những học sinh chưa thể trở về nhà do dịch Covid-19. Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết thành phố hiện có gần 2.500 học sinh đang mắc kẹt tại hơn 34 tỉnh, thành chưa kịp về nhập học. Nhiều nhất là ở Quảng Nam với 420 học sinh, Quảng Ngãi 33 học sinh hay tỉnh xa như Nghệ An, Thanh Hoá,…Hiện các trường ở Đà Nẵng gấp rút liên hệ, rà soát, lập danh sách những học sinh đang tạm trú tại các địa phương ngoài thành phố, đề nghị hỗ trợ các em được đăng ký học tại đó. Ông Thành cũng cho biết đối với học sinh địa phương khác đang ở Đà Nẵng có nguyện vọng học tại trường nơi các em đang tạm trú sẽ được tiếp nhận.

Sở GD-ĐT Bạc Liêu cũng thống kê ở tiểu học có 417 em, THCS có 403 em đang ở vùng dịch chưa thể quay về địa phương học tập. Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở cho hay sẽ có văn bản gửi Sở GD-ĐT các tỉnh kết hợp hỗ trợ các em học tại nơi tạm trú. Bên cạnh đó, Sở xét đặc cách cho 5 trường hợp là F1, F2 chưa thi tuyển vào lớp 10.

Tại Kon Tum đang có hơn 100 học sinh ngoại tỉnh tạm trú do điều kiện giãn cách vì dịch Covid-19. Đồng thời có gần 650 học sinh của Kon Tum đang ở các tỉnh, thành phố khác chưa về địa phương. Sở đã tạo điều kiện, liên kết các tỉnh khác hỗ trợ cho những học sinh này được “học nhờ”.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang có khoảng 3.150 học sinh và trên 450 giáo viên đang ở tỉnh lân cận, giáp ranh chưa về kịp khai giảng do dịch bệnh Covid-19. Có khoảng 2.400 học sinh đang ở vùng thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 hoặc khu vực đang có quyết định cách ly như Hà Nội. Nhiều nhất là cấp Tiểu học (1.164 em), khối giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (884 em), Trung học cơ sở (517 em), Trung học phổ thông (349 em), Mầm non (236 em). Sở GD-ĐT tỉnh này vừa có văn bản hướng dẫn, đối với phân công giáo viên, hỗ trợ học sinh đăng ký học tạm tại các địa phương.

Sở GD-ĐT Quảng Ninh thống kê còn khoảng 1.000 học sinh mắc kẹt tại các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, tỉnh đã lên phương án đón học sinh trở về sau khi xét nghiệm PCR, đảm bảo công tác phòng dịch và tổ chức dạy trực tuyến khi các em cách ly.

Tương tự, Hà Tĩnh đang có 546 học sinh khối Tiểu học, 330 học sinh Trung học cơ sở và 460 học sinh Trung học phổ thông chưa thể về nhập học.

Sở GD-ĐT Hậu Giang thì cho biết toàn tỉnh có 520 giáo viên và 2.783 học sinh đang lưu trú ngoài tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhất là ở TP Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, TP.HCM, Bình Dương.

Sở GD-ĐT Hậu Giang đã kiến nghị UBND tỉnh có phương án bố trí xe đón giáo viên, học sinh tại TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Kiên Giang và hỗ trợ toàn bộ chi phí cách ly cho học sinh. Riêng các địa bàn còn lại dịch bệnh phức tạp hơn sẽ có văn bản đề nghị hỗ trợ, phụ huynh chủ động liên hệ cho con học tại nơi tạm trú.

Trong khi đó, khác với dự kiến ban đầu, TP.HCM tổ chức Lễ khai giảng trực tiếp tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong với sự tham dự của nhiều lãnh đạo thành phố. Lễ khai giảng dành 1 phút mặc niệm những nạn nhân tử vong vì Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh cả nước có một Lễ Khai giảng "chưa từng có"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO