Hoạt động khai thác khoáng sản: Tăng xử phạt - quản chặt hơn!

27/05/2014 00:00

(TN&MT) - Để hạn chế tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 142/2003/NĐ-CP ...

(TN&MT) - Để hạn chế tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, ngày 24 tháng 10 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 142/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và khoáng sản với mức xử phạt tăng và quy định thêm tới 55 hành vi vi phạm, đang phát huy tác dụng tích cực trong hoạt động quản lý ngành khai khoáng…
   
Mạnh tay với chế tài xử phạt hành chính
   
  Nghị định 142 đã bổ sung mới nhiều nhóm hành vi cần xử phạt phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản 2010 và thực tế quản lý hoạt động này. Theo đó bổ sung mới quy định xử phạt đối với các hành vi khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản mà chưa được UBND nơi có khoáng sản thăm dò đồng ý bằng băn bản; tự ý thay đổi phương pháp thăm dò hoặc thay đổi khối lượng thăm dò có chi phí lớn hơn 10% dự toán Đề án thăm dò mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chấp thuận... Mức xử phạt bằng tiền đối với nhóm hành vi này thấp nhất là 2 triệu VN đồng và cao nhất là 100 triệu VN đồng đối với cá nhân.
   
  Bổ sung mới quy định xử phạt đối với các hành vi: Thăm dò khoáng sản ra ngoài ranh giới mà diện tích đã thăm dò bên ngoài ranh giới vượt đến 10% tổng diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ cac biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, các biện pháp khắc phục khi đã gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thăm dò khoáng sản độc hại. Mức sử phạt thấp nhất là 2 triệu VN đồng và cao nhất là 200 triệu VN đồng đối với cá nhân.
   
  Về các hành vi đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Bổ sung quy định xử phạt các hành vi không lưu giữ các thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng, nâng cấp tài nguyên trong khu vực được phép khai thác khoáng sản; cắm mốc điểm khép góc không đúng quy cách theo quy định; khai thác vượt ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích hoặc đến 10% tổng độ cao của khu vực được phép khai thác; không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực dược phép khai thác. Mức phạt bằng tiền đối với nhóm hành vi này cao nhất đến 200 triệu đồng đối với cá nhân.
   
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông
    
   
  Đặc biệt để tăng cường trách nhiệm trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản, Nghị định 142 đã bổ sung việc xử phạt đối với hành vi khai thác gây tổn thất khoáng sản vượt từ 10% trở lên so với chỉ số tổn thất định mức; không thu hồi khoáng sản đi kèm đã xác định trong dự án đầu tư đã duyệt với mức tiền phạt từ 70 đến 200 triệu VN đồng, bổ sung hình thức tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 đến 06 tháng.
   
Quản lý khoáng sản hiệu quả thấy rõ
   
  Nghị định 142 “tăng quyền” cho người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khoáng sản đang thi hành công vụ cũng có thẩm quyền xử phạt như thanh tra viên chuyên ngành. Nghị định đã bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, nên sau hơn 6 tháng có hiệu lực thi hành, Nghị định 142 giúp cho cho các cơ quan chức năng quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản chặt chẽ hơn. Từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, kết quả kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm.
   
  Chỉ riêng tại Hà Nội, theo số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, qua kiểm tra hoạt động khai thác cát trên tuyến sông Hồng tại bốn phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở và Thanh Trì của quận Hoàng Mai phát hiện có 12 bãi chứa sử dụng trái phép hơn 380.000m2 đất. Tại huyện Phú Xuyên có bảy bãi chứa, tập trung ở xã Văn Nhân và thị trấn Phú Minh với diện tích đất sử dụng trái phép gần 138.000m2. Huyện Đông Anh có 20 bãi chứa, sử dụng trái phép gần 69.000m2 ... Khởi tố hình sự 8 “cát tặc” đào lòng sông Hồng.
   
  Theo cán bộ thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Trước đây do chế tài quá nhẹ, các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp nhận nộp phạt nhưng ngay sau đó họ lại vi phạm trở lại như cũ. Thế nhưng, năm 2014, Nghị định 142 quy định rất chi tiết về hành vi vi phạm và chế tài xử phạt cao nên đến thời điểm này những trường hợp vi phạt bị xử lý với số tiền lớn chưa có trường hợp nào vi phạm trở lại.
   
  Với việc bổ sung mới đến 55 hành vi cần xử phạt trong Nghị định 142 về tài nguyên khoáng sản đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước là thắt chặt công tác quản lý khoáng sản, nhất là đối với hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.
   
  Bài và ảnh: Q.Minh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động khai thác khoáng sản: Tăng xử phạt - quản chặt hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO