Hoang tàn những khu tái định cư tránh lũ

16/09/2014 00:00

(TN&MT) - Nhiều khu TĐC dành cho các hộ dân vùng thiên tai, lũ quét ở miền Trung trở nên tiêu điều, hoang phế vì không có người ở.

   
(TN&MT) - Để đối phó với bão lũ, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, những bất cập từ khâu khảo sát đến thi công, thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu đất sản xuất… đã khiến nhiều khu TĐC dành cho các hộ dân vùng thiên tai, lũ quét ở miền Trung trở nên tiêu điều, hoang phế vì không có người ở.
   
Dân bỏ khu tái định cư
   
  Xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt. Đời này qua đời khác, người dân nơi đây đã phải gồng mình chống chọi với sự hà khắc của thiên nhiên. Cách đây 5 năm, chính quyền địa phương đã xây dựng khu TĐC Mốc Định để bà con yên tâm về mùa mưa lũ. Ngày khởi công, 52 hộ dân thuộc diện di dời khấp khởi mừng thầm vì từ nay hết cảnh chạy lụt. Song, khi hàng chục ngôi nhà đã được dựng lên, người dân lần lượt bỏ khu tái định cư, bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng như ruộng vườn, đất đai nhìn đâu cũng thiếu. Không thể sống ở khu tái định cư, lần lượt 40 hộ gia đình bỏ vùng quê mới. Một số hộ gia đình còn đất nên quay về chỗ ở cũ, số còn lại đã bán hết vườn tược nên phải gồng gánh tha hương. Hàng chục căn nhà như "bao diêm" vắng ngắt, cảnh tiêu điều bao trùm cả khu tái định cư.
   
Nhà cửa ở Khu TĐC Nam Mỹ hoang tàn, vắng bóng người
   
  Giữa trưa hè bỏng rát của gió Lào và cát trắng, chị Lê Thị Hằng, một trong những hộ dân ít ỏi còn bám trụ lại nơi đây gồng mình gánh từng thùng nước tưới cho vườn rau cải. Chị Hằng cho biết : "Ở chỗ cũ, mỗi năm chạy vài lần lũ lụt, tưởng lên đây để thay đổi cuộc sống, nhưng ai ngờ lại khổ hơn nơi ở cũ. Nhà tui được cấp 3 sào đất toàn cát nên chẳng trồng được cây gì cho ra hồn. Trồng hành, hành chết, trồng dưa,dưa chết, chỉ có cây dương liễu là sống được”.
   
  Sau những trận lũ lịch sử, bờ sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ngày càng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa an toàn của hàng chục hộ sống ven sông  Năm 2007, UBND huyện Hòa Vang đã quyết định xây dựng khu TĐC Nam Mỹ để di dời người dân đến nơi ở mới an toàn, 62 hộ dân đã được cấp nhà ở để ổn định cuộc sống tại đây. Tuy nhiên, sau 7 năm đến nơi ở mới, thay vì có một cuộc sống tốt đẹp, ổn định hơn thì gần 2/3 hộ dân đã quay trở về nơi ở cũ hoặc tìm nơi sinh sống khác. Hàng chục ngôi nhà bỏ hoang, cửa nhà khóa im lìm, nhà thì không mái, chỉ còn 4 bức tường rêu phong phơi mình giữa nắng. Sân vườn trở thành nơi chăn thả gia súc. Khu TĐC Nam Mỹ trở thành nơi hoang tàn, đổ phế, hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng nhà cửa, đường sá, điện nước nằm phơi sương nắng qua thời gian.
   
  Còn tại tỉnh Bình Định, để bảo toàn tính mạng và tài sản cho hàng ngàn hộ dân sinh sống tại các vùng thiên tai nguy hiểm, tỉnh đã đầu tư trên 64 tỷ đồng xây dựng hoàn thành 17 khu TĐC cho người dân. Tổng quỹ đất được quy hoạch là hơn 86 ha để bố trí cho 1.625 hộ dân với 6.500 nhân khẩu. “Tuy nhiên, số hộ đã di dời đến những khu TĐC nhà cửa ổn định mới chỉ đạt khoảng 50% so với yêu cầu” – ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết.
   
Nhà cửa ở Khu TĐC Mốc Định (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bỏ hoang gây lãnh phí
   
Vì đâu nên nỗi?
   
  An cư mới lạc nghiệp, hơn ai hết những người dân vùng thiên tai đã từng vui mừng khôn xiết khi về nơi ở mới, không sợ mưa bão. Thế nhưng vui chưa thỏa, gánh nặng cơm áo lại đè lên đôi vai của những người dân nghèo. Hầu hết người dân tại các khu TĐC đều thiếu đất sản xuất hoặc đất hoang hóa, điều kiện khắc nghiệt nên không thể trồng trọt, phát triển kinh tế. Ông Đoàn Văn Quảng, người dân tái định cư thôn Nam Mỹ cho biết: Các hộ gia đình ở đây chỉ được mấy chục m2 đất trong vườn nên không thể canh tác, trồng trọt. Nghề chính của người dân là lên rừng lấy củi, lấy than đem bán. Học sinh thì phải đi học cách xa nhà cả cây số. Không chỉ thiếu đất sản xuất, khu TĐC Nam Mỹ còn thiếu nước sinh hoạt. Công trình nước sạch bỏ hoang, dòng sông Cu Đê bị nhiễm Cyanua do đãi vàng sa khoáng nên người dân phải đi xa hàng cây số để lấy nước cũng là nguyên nhân khiến người dân rời bỏ khu TĐC.
   
  Việc huyện Lệ Thủy chọn địa điểm xây dựng khu TĐC không hề phù hợp, cộng với việc xây dựng các công trình dân sinh không đúng điều kiện sinh hoạt của bà con nên người dân bỏ khu TĐC là đúng. Chọn một địa điểm toàn cát trắng, khí hậu khắc nghiệt, bên cạnh đó hệ thống thoát nước ở đây còn cao hơn cả vườn tược, sân nhà người dân nên chỉ cần một trận mưa rào là toàn bộ hoa màu bị ngập chìm trong nước. Đã thế hơn 3 năm lên vùng tái định cư nhưng người dân nơi đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
   
  Giải thích vì sao người dân đang “đánh đu” với nguy hiểm ở những vùng sạt lở nhưng vẫn không chịu di dời, dù những khu TĐC sẵn sàng đón nhận với cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, ông Bùi Đắc Cường bộc bạch: “Qua làm việc với chính quyền địa phương và người dân sống tại các vùng sạt lở nguy hiểm, chúng tôi được biết nguyên nhân bà con chậm di dời đến các địa điểm TĐC là do hầu hết họ đều nghèo, trong khi mức hỗ trợ di dời của nhà nước còn thấp nên không đủ điều kiện xây dựng nơi ở mới. Hiện nay, tuy mức hỗ trợ đã được nâng lên 20 triệu đồng/hộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu vốn xây dựng nhà cửa của người dân”. Cũng theo ông Cường, một nguyên nhân khác là do nghề nghiệp sinh sống của họ đã gắn liền với nơi ở cũ từ lâu đời, nên họ sợ về nơi ở mới biết làm ăn thế nào. Ví như ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (Phù Cát), xóm chài này ngày bị sóng biển gặm nhấm hẹp dần, hàng chục hộ dân đang sống ngay cửa miệng hà bá.
   
Giải pháp an cư
   
  Việc đầu tư dự án khu tái định cư phòng tránh thiên tai gồm hai nội dung chính. Ðó là đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất để ổn định đời sống cho người dân. Quá trình triển khai ở các địa phương miền Trung cho thấy, việc hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi vùng sạt lở và ổn định đời sống tại nơi ở mới chưa được các ngành, địa phương thật sự quan tâm. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư thường được giao cho Ban quản lý dự án các huyện, thành phố thực hiện một cách 'nhanh tay lẹ mắt' còn việc di dân phòng tránh thiên tai thì giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ với một cán bộ kiêm nhiệm nên không thể đảm đương hết được, dẫn đến hiệu quả thấp. Khu tái định cư xã Hồng Thủy như đã nêu ở trên là minh chứng  cho sự bất cập này.
   
  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang thừa nhận sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý, chỉ đạo chương trình di dân tái định cư phòng tránh thiên tai thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Việc hỗ trợ người dân sinh kế tại khu TĐC chưa sát với thực tế của các địa phương, dẫn đến hiệu quả thấp, nhất là việc  di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai. Ðể khắc phục tình trạng trên, vừa qua tỉnh Quảng Bình đã rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư tránh lũ gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn vốn để xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để bảo đảm đời sống cho người dân.
   
  Để giải quyết tình trạng người dân bỏ khu TĐC, ông Hồ Tăng Phúc- Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: "Chính quyền địa phương sẽ tích cực vận động các hộ dân quay trở lại khu TĐC, hoàn thiện cơ sở vật chất như hệ thống đường giao thông, trường học. Hệ thống cấp nước cũng sẽ được sữa chữa nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. UBND xã cũng sẽ đề nghị huyện Hòa Vang sớm bố trí đất sản xuất cho người dân để người dân yên tâm sinh sống và đầu tư sản xuất”.
   
  Khu TĐC xây dựng lên là để người dân vùng thiên tai có điều kiện an tâm sinh sống. Thế nhưng, sự đầu tư “nửa vời”, không gắn định cư với định canh, khiến dân TĐC bỏ hoang nhà cửa. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công đến việc “an dân” để người dân không bỏ hoang khu TĐC vừa lãng phí tiền của Nhà nước, vừa không an lòng dân trước một chủ trương lớn.
   
Bài và ảnh: Lan Anh – Văn Hà
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoang tàn những khu tái định cư tránh lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO