Hoàn thiện văn bản pháp luật quốc tế về quản lý nguồn nước sông Mê Kông

17/10/2016 00:00

(TN&MT) – Các khuôn khổ pháp lý như Hiệp định Mê Công và Công ước về nguồn nước của Liên Hợp Quốc (UNWC) là công cụ để đảm bảo việc bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới.Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và chương trình Cầu đang hỗ trợ một loạt các cuộc đối thoại và hội thảo về pháp luật nước quốc tế.

Hiện nay, có 276 lưu vực sông xuyên biên giới (TRB) và 200 tầng nước ngầm xuyên biên giới trên toàn cầu; trong đó 60% các lưu vực xuyên biên giới thiếu loại khung quản lý hợp tác. Để đảm bảo việc bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới cần xác lập có hiệu quả pháp luật nước quốc tế.

Cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến sông Mê Công hiện đang được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định Mê Công. Được thông qua năm 1995 bởi 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, thỏa thuận này là một tuyên bố chung về hợp tác toàn lưu vực và sử dụng công bằng vùng biển chung của sông.

Các quy tắc được quốc tế công nhận đối với việc quản lý sông Mê Kông gói gọn trong Công ước về nguồn nước của Liên Hợp Quốc (UNWC), đã được sự chấp thuận của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 2014 sau khi Việt Nam trở thành quốc gia thứ 35 phê chuẩn nó.

Nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi IUCN cho thấy một văn kiện phê chuẩn rộng của UNWC ở các nước hạ lưu sông Mê Kông sẽ tăng cường nhiệm vụ của Ủy ban sông Mê Công, từ đó tạo điều kiện hợp tác, phát triển và tháo gỡ xung đột. IUCN châu Á và chương trình Cầu đang hỗ trợ một loạt các cuộc đối thoại và hội thảo về pháp luật nước quốc tế.

Các khuôn khổ pháp lý như Hiệp định Mê Công và UNWC là công cụ để đảm bảo việc bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới. Ông Tek Vannara, Giám đốc điều hành của Diễn đàn NGO Campuchia cho rằng, mục tiêu chính của hiệp ước 1995 là hợp tác và sử dụng bền vững sông Mê Kông.

“Chúng tôi đã vận động hành lang Quốc hội, các bên liên quan khác ở Campuchia để thấy được lợi ích của các công ước quốc tế về nguồn nước. Bước tiếp theo cần xây dựng năng lực, đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan hiểu được lợi ích và hướng dẫn tham gia và thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về nguồn nước”, ông Tek Vannara nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: IUCN
Ảnh minh họa. Nguồn: IUCN

Ông Watt Botkosal, Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công quốc gia Campuchia cho rằng, Hiệp ước 1995 chưa xác định rõ ràng trên các nhánh sông, nhiều thách thức hiện tại cần có sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển quốc tế. Công ước về nguồn nước của Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ rất nhiều những thỏa thuận hiện có; đồng thời tăng cường việc áp dụng những nguyên tắc về sử dụng tài nguyên nước.

Theo ông Trần Đức Cường – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, tham gia công ước Liên Hợp Quốc là chúng ta khẳng định cam kết với các nguyên tắc quốc tế chung liên quan đến quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước. Công ước Liên Hợp Quốc đặc biệt quan trọng đối với việc giải quyết những xung đột trong sử dụng nước có thể có hại cho hạ lưu. Việc gia nhập công ước sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình, hợp tác về hoạt động phát triển kinh tế cũng như đa dạng hóa các quan hệ quốc tế và khu vực.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện văn bản pháp luật quốc tế về quản lý nguồn nước sông Mê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO